Lương y Nguyễn Nguyên Việt, Bệnh viện Y học dân tộc Bình Định, cho biết: "Rau má là vị thuốc có tính mát, thanh nhiệt, nhuận gan, tiêu độc, cầm máu sát trùng, lợi tiểu. Rau má có thể trị bệnh gan, bệnh huyết nhiệt, các chứng chảy máu cam, thổ huyết, kiết lỵ, táo bón, mụn nhọt...". Thực tế, dân gian thường dùng rau má xay hoặc nấu canh ăn giúp cơ thể thanh nhiệt. Rau má còn có những tác dụng trị bệnh rất tốt khi kết hợp với một số dược liệu khác.
Theo lương y Việt, khi bị cảm nắng, say nắng, lấy 60 g rau má tươi, một ít lá hương nhu, một ít lá tre, một ít lá sắn dây rửa sạch cho vào ấm, thêm khoảng 600 ml nước, nấu lên còn lại 300 ml. Chia đều uống 2 lần trong ngày. Lưu ý là sử dụng nóng.
Với trẻ con bị sốt cao co giật: Lấy khoảng 60 g rau má tươi, 60 g cỏ nhọ nồi đem rửa sạch rồi giã nhuyễn, vắt nước cốt uống. Bã đắp lên trán và phía trong cổ tay.
Với phụ nữ bị sưng đau vú: Lấy khoảng một nắm lá rau má tươi, rửa sạch, cho thêm một ít đường đỏ, giã nhỏ sao nóng đắp. Bị đau bụng khi có kinh (thống kinh): Hái loại rau má ở thời điểm cây đang ra hoa phơi khô, tán mịn, để lọ kín, dùng dần. Ngày uống 2 thìa cà phê (10 g) vào buổi sáng. Với những người kinh nguyệt không đều thì lấy 300 g rau má tươi, ép lấy nước, sau đó cho 3 g phèn chua giã nhỏ, cho tất cả hòa với nước dừa (vừa đủ) uống trong ngày.
An Nguyên