Thị trường xuất hiện nhiều loại thực phẩm ăn kiêng có chỉ số đường huyết thấp dành cho người bệnh đái tháo đường hay ít calo cho người muốn giảm cân như bột ngũ cốc, bánh, đường, cà phê... Các thực phẩm này đáp ứng nhu cầu của những người béo muốn ăn no mà không muốn lên cân, người bệnh đái tháo đường muốn ăn ngọt nhưng sợ đường huyết tăng cao...
Đa phần thực phẩm này ở dạng khô, còn hàng tươi và đông lạnh thì không nhiều. Điểm chung chúng đều có hàm lượng calo thấp, ít hoặc không có chất béo, giàu chất xơ, rất ít hoặc không có đường. Giá từ 20.000 đến 320.000 đồng một sản phẩm.
Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, sản phẩm ăn kiêng cần sử dụng đúng nhu cầu dinh dưỡng của từng người mới phát huy hiệu quả. Ngược lại, với những người không phù hợp ăn có thể còn gây hại.
Ví dụ, người gầy và trẻ em cần tăng cân nặng không nên dùng sản phẩm ít năng lượng. Người bình thường không bị bệnh đái tháo đường nên hạn chế dùng đường nhân tạo và đường hóa học. Người bệnh đái tháo đường hoặc người muốn giảm cân nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, lượng đường thấp, ít chất béo động vật... để phù hợp với bệnh lý và tốt cho sức khỏe.
Dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TP HCM khuyên bạn nên cân nhắc đọc các thông tin dinh dưỡng và danh sách các thành phần được sử dụng trong thực phẩm.
Chọn chất béo tốt
Chất béo không bão hòa đơn và các chất béo thiết yếu, bao gồm omega 3 và omega 6. Dầu ô liu, dầu canola, cá béo, các loại hạt, hạt và các loại đậu là nguồn chất béo tốt có lợi. Lưu ý: Một g chất béo cho 9 calo, nhưng nhãn thực phẩm thường làm tròn số, ví dụ đối với thực phẩm có chứa hai g chất béo, nhãn có thể ghi 20, mặc dù chất béo thực sự là 18 calo.
Đọc kỹ hàm lượng protein
Protein giúp xây dựng cơ bắp, sửa chữa tế bào và hình thành các kích thích tố. Vận động viên cần một lượng protein cao để duy trì cơ thể. Quá nhiều protein lại không tốt cho người bệnh thận.
Carbohydrate
Carbohydrate là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Nếu bạn chọn theo chế độ ăn ít carbohydrate thì chất béo và protein cũng có thể thay thế để tạo năng lượng. Ngũ cốc nguyên hạt giúp giữ cho lượng đường trong máu ổn định.
Hàm lượng chất xơ
Chất xơ có thể được chia thành loại hòa tan và không hòa tan. Người trung bình chỉ nhận được khoảng 1/2 lượng chất xơ cần thiết. Người bị rối loạn tiêu hóa cần phải giảm chất xơ, đặc biệt là chất xơ không hòa tan. Tuy nhiên, hai loại chất xơ này đều có thể giúp giảm nguy cơ ung thư ruột kết và tiểu đường nhờ làm chậm sự gia tăng lượng đường trong máu sau khi ăn thức ăn.
Thông tin về lượng đường
Cần chú ý với người đang giảm cân hoặc bị tiểu đường tuýp 2. Một số loại thực phẩm lành mạnh như sữa và sữa chua có lượng đường khá cao, vì vậy hãy xem xét hàm lượng đường trong các "thông tin dinh dưỡng" trên nhãn. Nhiều loại thực phẩm có chứa ít nhất một vài g đường tự nhiên. Các sản phẩm có hương vị trái cây có thể chỉ là hương liệu và đường. Chú ý khi chọn mua các loại nước ép trái cây có đường.
Kiểm tra hàm lượng natri
Natri làm tăng huyết áp của bạn bằng cách ức chế nitric oxide làm giãn các mạch máu. Một món ăn nhẹ, chẳng hạn như các bánh snack, khoai tây đóng hộp, có thể chứa khoảng 1/5 lượng natri cho cơ thể. Người bị huyết áp cao nên tìm loại không có thành phần natri. Vận động viên cần nhiều natri hơn vìkhoáng chất này sẽ bị mất qua mồ hôi.
Thực phẩm giàu kali
Kali giúp hạ huyết áp và đặc biệt quan trọng đối với vận động viên vì chúng sẽ bị mất qua mồ hôi.
Nhu cầu vitamin và khoáng chất
Xem kỹ thành phần trên nhãn vì mỗi cá nhân có thể cần nhiều loại vitamin khác nhau. Các sản phẩm đa sinh tố cũng rất quan trọng khi lựa chọn thực phẩm ăn kiêng. Mọi người cần bổ sung lượng canxi cao hơn ở tuổi vị thành niên để xây dựng hệ thống xương vững chắc, ngăn nguy cơ loãng xương khi đến tuổi trung niên. Cụ thể, từ 9 đến 18 tuổi cần 1.300 mg canxi, từ 19 đến 50 tuổi cần 1.000 mg canxi, những người lớn hơn 50 tuổi cần 1.200 mg.
Hạn chế cholesterol từ các nguồn thực phẩm
Các sản phẩm từ động vật chứa cholesterol có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim do thu hẹp các động mạch. Người có bệnh huyết áp, tim mạch cần chú ý nhiều khi đọc các nhãn sản phẩm có chứa chất này.
Bác sĩ Thủy cho biết, bạn nên gặp bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn kiêng và lựa chọn loại thực phẩm phù hợp với bệnh lý hay tình trạng của mình. Ngoài ra, bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi và điều chỉnh kịp thời nếu có vấn đề bất lợi xảy ra.
Tuy nhiên, dù ăn kiêng do bệnh hay muốn giảm cân, bạn vẫn phải ăn uống đầy đủ các loại thực phẩm giàu đạm (thịt nạc, cá, đậu hũ...), các vitamin, khoáng chất. Giảm năng lượng từ bột, đường và chất béo phù hợp với bệnh lý và tình trạng dinh dưỡng của bản thân mà vẫn có thể đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.