Chị Phạm Thị Yến (dược sĩ một phòng khám Hàn Quốc) dắt theo con nhỏ hớt hải tới trụ sở Công an phường Mễ Trì nộp hồ sơ xin cấp giấy đi đường theo mẫu mới.
Trước đó, chị Yến đã liên hệ công an phường hỏi thủ tục nhưng không có hướng dẫn vì lý do phòng khám nơi chị làm việc chưa xác định thuộc nhóm 3 hay nhóm 6. Chị gửi email, gọi điện vào đường dây nóng của công an, máy liên tục báo bận. Cuối chiều 6/9, chị Yến nhận thông báo của cơ quan chức năng phòng khám thuộc nhóm 6. Sợ để hôm sau không kịp có giấy mới cho gần 20 nhân viên đi làm, dù muộn chị cũng cố gắng làm đủ các giấy tờ, chạy ra phường nộp.
"Tôi không có nhiều thời gian chuẩn bị, công an yêu cầu thế nào thì mình cố gắng đáp ứng như thế, chỉ sợ không kịp có giấy cho mọi người đi làm vì quy trình khá rối loạn", chị Yến chia sẻ.
Chị Nguyễn Thu Hường (nhân viên một công ty hóa chất trụ sở trên đường Phạm Hùng) phải đi lại hai lần mới nộp được hồ sơ. Công ty nơi chị Hường làm việc không thuộc nhóm ưu tiên, tuy vậy, do cung cấp hóa chất cho các khu công nghiệp tại Hà Nội nên chị vẫn xin làm giấy cho một số nhân viên. Lần đầu, chị đến công an phường vào buổi trưa nhưng giấy tờ không đủ nên buộc phải quay về. Chiều 6/9, chị Hường trở lại nộp hồ sơ lần hai.
"Tôi nộp hồ sơ và nhận lại một tờ giấy ghi địa chỉ mail, số điện thoại và tên công ty, chưa biết chắc chắn công ty có được duyệt cấp giấy đi đường hay không", chị Hường chia sẻ.
Cũng như chị Hường, chị Phạm Thị Thu Hà (nhân viên một công ty chuyên lắp đặt thang máy tại Miếu Đầm), tới xin giấy đi đường cho 10 nhân viên. Buổi trưa, chị Hà đã đến làm thủ tục nhưng thấy quá đông nên quay về, chiều tối chị quay lại để nộp.
Chị Hà cho biết, trước đó chị đã được công an khu vực hướng dẫn, cần có giấy đăng ký kinh doanh, hộ khẩu và chứng minh thư của giám đốc, danh sách nhân viên và hợp đồng lao động, chứng minh thư của mỗi người, văn bản đề nghị cấp giấy đi đường cùng kế hoạch phòng, chống dịch. "Tôi xin cấp cho 10 người, nhưng duyệt được bao nhiêu thì chưa rõ", chị Hà nói.
Bên trong phòng nhận thủ tục, Công an phường Mễ Trì bố trí ba cán bộ, làm việc liên tục. Trung tá Nguyễn Quang Chung, Trưởng Công an phường cho biết lượng người xin cấp giấy đi đường rất đông, buộc cán bộ "làm ngày làm đêm mới kịp tiến độ".
"Địa bàn phường có khoảng 400 doanh nghiệp, trong khi thời gian chỉ có hai ngày để giải quyết các hồ sơ", ông Chung nói. Ông Chung cũng cho hay, phần mềm làm thủ tục cấp giấy đi đường vẫn "thi thoảng gặp lỗi". Một số người dân, doanh nghiệp không làm đúng hướng dẫn của công an.
"Chúng tôi gửi cho người dân biểu mẫu song bị chỉnh sửa không đúng, hoặc chỉ cần một lỗi nào đó là email hệ thống sẽ không nhận, dẫn tới việc có thể 40 email được gửi đi, song chỉ 5 trường hợp làm đúng nên hệ thống nhận", ông Chung giải thích.
Ông nói hiện quá trình giải quyết mất nhiều thời gian nhất ở khâu nhập dữ liệu vào máy, kiểm tra email và gọi điện kiểm tra thông tin. Những doanh nghiệp thuộc nhóm thiết yếu sẽ có tỷ lệ duyệt cấp giấy cao hơn.
"Thời gian qua, chúng tôi nhận thấy lượng người ra đường quá đông, nhưng sau đợt này có thể giảm đi một nửa", ông Chung nhận định.
Cuối ngày 6/9, số giấy đi đường do công an các xã, phường, thị trấn cấp chưa có thống kê. Trong khi đó, Phòng CSGT Công an Hà Nội đã cấp trên 80.000 giấy đi đường có mã QR cho nhóm vận chuyển hàng thiết yếu, hoạt động công ích.
Thành phố áp dụng giấy đi đường theo mẫu mới (có mã nhận diện QR) từ 6/9, với điểm mới là thay đổi đầu mối cấp giấy cho một số nhóm người dân, doanh nghiệp. Việc này nhằm kiểm soát người đi lại ở 10 quận, huyện vùng đô thị trung tâm. Tuy nhiên, ngày đầu áp dụng giấy mới, một số chốt kiểm soát dịch đã bị ùn ứ người, đi ngược chủ trương giãn cách để chống dịch. Bên cạnh đó, quy định thay đổi gấp làm gia tăng áp lực, chi phí lên nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Đây là lần thứ tư trong vòng 45 ngày kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Hà Nội thay đổi phương thức cấp giấy đi đường.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, người dân cũng phải xếp hàng trong đêm tại một số trụ sở UBND phường để xin giấy đi đường khi thành phố yêu cầu người đi đường phải có lịch trực, lịch làm việc. Chỉ một ngày sau, Hà Nội bỏ yêu cầu trên, thay vào đó người đi đường chỉ cần trình giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu) kèm giấy đi đường do cơ quan cấp theo mẫu thành phố.
Phạm Chiểu