21h, trụ sở UBND phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, vẫn sáng đèn, khoảng 20 người xếp hàng chờ làm thủ tục xác nhận giấy đi đường.
Chiếc máy photocopy cỡ lớn được đặt gần cổng để phục vụ người dân sao chép, in ấn giấy tờ. Tại phòng tiếp dân và bộ phận một cửa, 10 cán bộ phường liên tục rà soát từng chồng giấy dày khoảng một gang tay.
Theo hướng dẫn của phường Vĩnh Tuy, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh sản xuất khi đến xin xác nhận giấy đi đường cho nhân viên cần chuẩn bị công văn, giấy đăng ký kinh doanh, phương án phòng chống dịch, danh sách nhân viên và lịch trực.
Bước ra khỏi phường, chị Nguyễn Hải Yến, 36 tuổi, quản lý một công ty may mặc, thở phào khi lấy được giấy xác nhận đi đường cho 60 công nhân. Đây là lần thứ ba trong ngày, chị đến phường xếp hàng hoàn thiện giấy tờ. Để được hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội, công ty của chị đã phải lập cam kết đảm bảo an toàn phòng dịch.
"Thêm thủ tục làm mất thời gian nhưng chúng tôi thấy yên tâm hơn khi quản lý nhân viên. Yêu cầu bắt buộc xác nhận lịch làm việc sẽ hạn chế nhân viên ra đường ngoài giờ, tránh nguy cơ lây nhiễm, dịch xâm nhập vào công xưởng", chị Yến nói.
Đợi 40 phút để đến lượt làm thủ tục, anh Trần Công Quang, 41 tuổi, nhân viên một công ty dược nói: "Chúng tôi phải di chuyển qua nhiều hiệu thuốc mỗi ngày nên yêu cầu xác định lịch làm việc cố định rất khó. Tôi nghĩ thành phố nên hướng dẫn chi tiết, linh động hơn đối với một số ngành nghề thiết yếu".
Đến 22h, 7 người vẫn đứng xếp hàng chờ làm thủ tục. Bà Đỗ Phương Nga, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy, thông báo đêm 9/8 phường sẽ làm việc cho đến khi hết người xin xác nhận. Trong ngày, phường đã xác nhận cho hơn 300 doanh nghiệp với khoảng 2.500 giấy đi đường theo mẫu mới của thành phố.
"Tạm thời các chốt trên địa bàn chưa xử phạt người không có giấy đi đường theo quy định mới cho đến khi chúng tôi hoàn thiện việc cấp xác nhận", bà Nga nói.
Tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân lúc 19h, cán bộ tư pháp vẫn tiếp nhận hồ sơ xác nhận đi đường. Phường cử một đội xác minh liên hệ với các đơn vị đã gửi hồ sơ. Ông Trần Phan Mỹ, Phó chủ tịch phường Thượng Đình, cho hay ngày 9/8, phường đã cấp giấy xác nhận đi đường cho 20 đơn vị với hơn 200 người. "Đêm nay, chúng tôi đã phê duyệt thêm gần 300 giấy đi đường, trong sáng mai sẽ hoàn thiện cấp giấy trên địa bàn", ông Mỹ nói.
Hết giờ làm việc buổi chiều, tại trụ sở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm vẫn còn đại diện hàng chục doanh nghiệp xếp hàng gửi hồ sơ. Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1, ông Trịnh Văn Quế cho hay, phường cũng huy động cán bộ làm việc cả đêm để xác nhận giấy đi đường.
Trước đó tối 8/8, Hà Nội phát đi văn bản yêu cầu ngoài giấy đi đường theo mẫu của thành phố, tại các chốt kiểm soát dịch, người đi đường phải xuất trình một số giấy tờ cá nhân như: CCCD/CMTND, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Giấy đi đường của một số cơ quan, đơn vị phải có xác nhận của cả cơ quan, đơn vị và chính quyền nơi cơ quan, đơn vị hoạt động (trước đó chỉ cần một trong hai nơi xác nhận).
Từ sáng 9/8, lực lượng kiểm soát tại các chốt bắt đầu kiểm tra nhắc nhở việc hoàn thiện giấy tờ theo quy định mới, dẫn đến ùn ứ cục bộ ở một số chốt trên trục đường chính. Nhiều người dân và doanh nghiệp cho biết họ "không kịp trở tay", phải "chạy đôn chạy đáo" lo giấy thông hành, tránh công việc bị gián đoạn.
Quy định mới ban hành cuối tuần, hiệu lực ngay sáng hôm sau mà không có hướng dẫn cụ thể khiến người dân có cách hiểu khác nhau. Tiếp đó, việc soát xét giấy tờ gây ùn ứ người ở chốt kiểm soát và việc dân tập trung đông xin dấu ở trụ sở phường xã mâu thuẫn với quy định về giãn cách xã hội, tạo ra nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Tối 9/8, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thành phố sẽ điều chỉnh việc kiểm tra giấy đi đường cho "thực chất và phù hợp hơn", song tiếp tục siết chặt quản lý, bảo đảm việc xác nhận và sử dụng giấy đi đường đúng mục đích, đúng đối tượng.
Biện pháp siết chặt đi lại được thành phố đưa ra trong bối cảnh Hà Nội ghi nhận hàng chục ca dương tính nCoV trong cộng đồng nhiều ngày gần đây. Theo Sở Y tế, tính từ đầu đợt dịch thứ tư (29/4 đến nay), thành phố có 1.853 trường hợp dương tính, trong đó gần 1.100 ca cộng đồng, hơn 750 ca trong khu cách ly.
Tất Định - Giang Huy