Trong nhà hàng vắng vẻ, Yang Boqun – Giám đốc một hãng bất động sản cho biết ông đang tìm cách trả khoản nợ 150 triệu NDT (24,7 triệu USD) đã vay để xây trung tâm mua sắm 5 tầng tại Jinhua. Công trình được xây với chi phí 2 tỷ NDT, nhưng chỉ có ba công ty thuê mặt bằng, là đại lý của hãng xe Bentley, rạp chiếu phim và nhà hàng. Trong khi đó, lãi suất khoản vay là 40% một năm.
Nguyên nhân là khi chi phí xây dựng bất ngờ tăng vọt, các nhà băng đã từ chối cho Yang vay thêm. Vì thế, ông phải tìm tới Credit China – một trong hàng nghìn tổ chức phi ngân hàng tại Trung Quốc. Yang đã nhận được tiền, và giờ Credit China muốn ông trả lại.
"Tôi cho vay nặng lãi thật, nhưng chúng tôi làm ăn hợp pháp", Raymond Ting - Chủ tịch kiêm CEO Credit China cho biết trên Wall Street Journal. Ting đang dọa sẽ lấy một phần khu trung tâm mua sắm của Yang. Vị giám đốc hãng bất động sản đã trả được 5 triệu NDT và hứa sẽ sớm đưa thêm 25 triệu NDT nữa.
Ting là một trong rất nhiều người kinh doanh tín dụng đen tại Trung Quốc, trong bối cảnh Chính phủ nước này kiềm chế hoạt động cho vay của các ngân hàng. 5 năm qua, giá trị khoản vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình tại Trung Quốc đã lên tới gần 60% GDP, theo Goldman Sachs. Số liệu của J.P. Morgan Chase cũng cho thấy giai đoạn 2010- 2012, các tổ chức tín dụng đen đã cho vay tới 36.000 tỷ NDT. Còn tính 10 tháng đầu năm, cho vay của các ngân hàng chỉ chiếm 53% tổng tín dụng tại Trung Quốc, giảm mạnh so với 72% ba năm trước, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết.
Ngành công nghiệp tín dụng đen Trung Quốc gồm các công ty tín thác, cửa hiệu cầm đồ, những người cho vay không chính thống và công ty tài chính vi mô. Những công ty này thường chấp thuận các khoản vay cho vay không được ngân hàng cho phép. Các nhà kinh tế học nhận xét sự phát triển của ngành này đã làm trầm trọng thêm bong bóng tín dụng tại Trung Quốc, khi làm tăng số khoản vay rủi ro và thổi bùng giá bất động sản.
Ting cho biết những người như Yang là khách hàng chủ yếu của công ty ông. Đến ngày 30/6, Credit China đã cho vay 816,7 triệu NDT, hơn gấp đôi 303 triệu NDT ba năm trước. Ting lấy lãi suất cao nhất được giới chức Trung Quốc cho phép, cộng các chi phí tư vấn để nâng tổng lãi vay một năm lên tới 40%.
Ting cho biết ông chỉ đang đáp ứng nhu cầu của những người không thể vay được ngân hàng. Vì các nhà băng quốc doanh thường ưu tiên các công ty nhà nước lớn. "Để có được một khoản vay tại ngân hàng, anh thường mất hàng tháng, đưa đối tác đi ăn, hát karaoke và đợi chấp thuận. Mà kể cả những việc đó cũng chưa chắc đã đảm bảo", ông nói. Tại Credit China, người vay chỉ mất 2 tuần. Do được cấp phép hoạt động cầm đồ, công ty này cũng nhận bất động sản thế chấp.
Ting năm nay 41 tuổi và là con trai một giám đốc hãng bất động sản ở Thượng Hải. Ông từng học kinh tế tại Đại học Beloit (Mỹ), sau đó bỏ giữa chừng. Trước đây, Ting lập một công ty viễn thông tại Trung Quốc và gia nhập Credit China sau khi gia đình ông nắm quyền kiểm soát tại đây. Ting điều hành Credit China từ Hong Kong (Trung Quốc).
Credit China hiện có khoảng 74,1 triệu NDT khoản vay quá hạn, tương đương 9,1% tổng tài sản. Ting cho biết ông không quan tâm đến nợ xấu, do có thể dùng tài sản thế chấp để bù lại.
Thời gian gần đây, khi bong bóng nhà đất tại Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt, Credit China bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực mới. Ting đang mở rộng việc làm ăn tại Trùng Khánh, với các khoản vay tối đa 250.000 NDT, không cần tài sản bảo đảm. Chúng này được dùng cho đám cưới, mua ôtô, cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vay mua căn hộ.
Ting nhận xét: "Nhu cầu ở đây đang tăng rất mạnh". Kỳ hạn các khoản vay của Credit China thường kéo dài trong một năm với lãi suất và chi phí lên tới 2,8% một tháng. "Một người kiếm được 10.000 NDT mỗi tháng thì cũng nên được cho vay chứ. Hơn nữa, lĩnh vực bất động sản cuối cùng cũng sẽ khô héo thôi. Nên tôi không muốn dây vào thêm", ông nói.
Hà Thu