Mùa thu năm 2010, với tư cách là Phó giám đốc mảng ngân hàng đầu tư tại UBS Trung Quốc, Joe Zhang tổ chức một cuộc nói chuyện với các nhà đầu tư giàu có ở Bắc Kinh về triển vọng chứng khoán Trung Quốc. Cuối buổi, một vị khách tên Wang Zhigang từ Hàng Châu đã xin gặp riêng để nghe lời khuyên của ông. Wang tiết lộ ông không đầu tư cổ phiếu, mà cho vay ngầm. Ông ta than thở lợi nhuận hàng năm đã giảm từ 30% xuống 23% và lo lắng tài sản cá nhân sẽ bị ảnh hưởng. Khi ấy, người này đã có 3 tỷ NDT (khoảng 445 triệu USD lúc đó).
Zhang nhận thấy Wang cũng chẳng cần đến lời khuyên của mình và nói: "Với lợi nhuận của anh, ngay cả Warren Buffett cũng phải đưa tiền đến nhờ anh quản lý ấy chứ". Sau vài ngày, vì tò mò, Zhang cũng bay đến Hàng Châu để xem làm cách nào Wang kiếm được nhiều như vậy. Ông được đưa đến chợ da Haining để gặp khách hàng của Wang. Họ đều là người bán giày da, túi xách và phụ kiện. Mạng lưới của họ trải rộng toàn cầu, bằng cả cửa hàng cách truyền thống lẫn online.
20 năm trước, những người này chỉ là khách hàng quá nhỏ với ngân hàng. Kể cả khi việc kinh doanh phát triển như cấp số mũ, họ vẫn không đủ tài sản thế chấp để vay nhà băng. Họ cần tiền và cần gấp. Vì thế, họ tìm đến những người cho vay phi chính thức, như Wang.
Gần đây, thế giới đề cập rất nhiều đến hệ thống tín dụng ngầm tại Trung Quốc. Ngoài những người như Wang, các tổ chức tín dụng nhỏ, hiệu cầm đồ, các sản phẩm quản lý tài sản của ngân hàng đều được coi là hoạt động tín dụng phi chính thức và không bị kiểm soát. Quy mô hệ thống này đã lên tới 5.000 tỷ USD, thách thức sự thống trị của ngân hàng truyền thống.
Tăng trưởng ngoài tầm kiểm soát này đã khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) lo ngại. Họ sợ rằng cơn bão nợ xấu sẽ khiến hệ thống tài chính Trung Quốc sụp đổ, như vụ khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2008. Việc Trung Quốc cạn kiệt thanh khoản hồi tháng 6 khi PBOC để mặc lãi suất liên ngân hàng tăng đến 20% trước khi can thiệp, được coi là lời cảnh báo với các nhà băng về hoạt động tín dụng ngầm.
Tám tháng sau khi quay về từ Hàng Châu, Zhang cũng gia nhập hoạt động này. Năm 2011, ông nghỉ việc, mở một công ty cho vay nhỏ tại Quảng Châu, chuyên cấp vốn cho hàng nghìn doanh nghiệp như cửa hàng hoa, nhà hàng, người trồng rau hay thậm chí bán hàng rong.
Dù Zhang lấy lãi tới 24% mỗi năm, nhu cầu vốn vẫn rất lớn. Các khách hàng của ông quá nhỏ và việc kinh doanh cũng chẳng ổn định để đi vay ngân hàng. Zhang chỉ cho vay trung bình 20.000 USD mỗi người, và thường xuyên giữ liên lạc với khách hàng, nên việc kinh doanh của ông rất an toàn. Nợ xấu chẳng bao giờ quá 5% suốt vài năm nay.
Đầu tháng này, Zhang lại đến Hàng Châu gặp Wang. Wang cho biết một số người vay từ ông đã vỡ nợ cách đó vài tháng. Nhưng Wang tự nhận mình “cực kỳ may mắn” so với các đối thủ, vì chỉ cho vay những người quen biết, và nhiều năm kinh nghiệm đã giúp ông có cái nhìn tương đối chuẩn.
Wang nói: "Đây là những đồng tiền tôi vất vả kiếm được. Vì thế, tôi phải rất cẩn thận. Hồi nhỏ, gia đình tôi nghèo lắm và tôi rất sợ phải quay lại quãng thời gian đó". Tài sản của ông đã tăng gần gấp đôi kể từ lần cuối hai người gặp nhau.
Hai đồng nghiệp của Wang đã phải bỏ nghề năm ngoái khi các con nợ lớn phá sản. Số khác còn ngồi tù vì bị các nhà đầu tư tố cáo là lừa đảo. Gần đây, giới truyền thông cũng liên tục đưa tin về các doanh nghiệp nhỏ phá sản vì vay lãi suất cao từ các tổ chức tín dụng ngầm.
Tuy nhiên, Zhang cho biết hoạt động này không nên bị quy chụp là xấu. Họ phục vụ các khách hàng hợp pháp và có tỷ lệ đòn bẩy tài chính thấp hơn nhiều các ngân hàng hay doanh nghiệp Trung Quốc. Hơn nữa, khi các tổ chức này thua lỗ, người đứng đầu doanh nghiệp sẽ gánh chịu, chứ không phải người dân. Kể cả các sản phẩm quản lý tài sản lãi suất cao của ngân hàng cũng chẳng có gì đáng ngại, Zhang cho biết. Theo ông, đó chỉ đơn giản là tiền gửi và bản thân ông cũng chi tiền cho sản phẩm này.
Tuy vậy, Zhang cũng thừa nhận hoạt động này vẫn cần kiểm soát chặt. Nhưng rất nhiều quy định hiện hành lại quá mơ hồ và vô lý. Ví dụ, giới chức không định nghĩa rõ ràng thế nào được coi là "huy động vốn bất hợp pháp". Các tổ chức tín dụng nhỏ như công ty ông cũng chỉ được phép vay không quá hai ngân hàng với các khoản tiền trên 50% vốn chủ sở hữu.
Zhang cho rằng Chính phủ và truyền thông đang chỉ trích nhầm đối tượng. Ngân hàng ngầm phát triển ở Trung Quốc vì một lý do rất đơn giản là tín dụng bị thắt chặt. Lãi suất bị giữ ở mức thấp khiến người gửi tiền phải đi tìm các sản phẩm tài chính hấp dẫn hơn. Việc ngân hàng ưu tiên cho vay doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có quan hệ tốt cũng khiến các công ty nhỏ phải tìm đến những người như Zhang và Wang.
Một dự án có thể trông sơ sài nếu tính theo lãi suất 9%, nhưng nó sẽ trở nên khả thi nếu tỷ lệ này chỉ là 6%. Vì thế, các ngân hàng truyền thống đã dần dần hạ thấp tiêu chuẩn cho vay. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
"Giới lãnh đạo đúng khi lo ngại khả năng khủng hoảng ngân hàng ở Trung Quốc", Zhang nói. Nhưng theo ông, thay vì nổi giận với những người cho vay ngầm, họ nên nâng lãi suất cơ bản để giảm dòng tín dụng chảy vào các khoản vay lách luật của ngân hàng truyền thống. Ông kết luận rủi ro của hệ thống tài chính Trung Quốc nằm ngay đây, chứ không phải ở hệ thống ngầm.
Thùy Linh (theo Bloomberg)