Trước giờ tôi chỉ biết tới chợ. Chợ là nơi để mua các loại hàng hóa khác nhau, kèm thêm một số dịch vụ như ăn uống, làm móng, cắt tóc. Chợ xóm nhỏ của tôi thường ngày là như vậy, đến Tết cũng như thế, chỉ thêm một ít bông chở trên những chiếc ghe.
Ở miền Tây, chợ một mặt giáp quốc lộ, một mặt giáp con sông lớn, ghe thuyền gắn máy chạy ầm ầm.
Bây giờ, cái chợ đã phải gắn thêm hai chữ truyền thống vào đuôi. Trong cuộc đời của tôi, những gì gắn liền với truyền thống, thường mai một cả rồi. Cái chợ giờ đã mai một nên nó mới phải đeo hai chữ truyền thống vào người.
Chả là, mọi thứ thay đổi nhanh quá, ở nước ta tốc độ thay đổi càng nhanh hơn, và vì thế cái chợ vốn gần gũi thân quen đã nhanh chóng vác cái vỏ truyền thống vào người.
Tôi chán ghét chợ ngay từ lúc nó chưa phải vác chữ truyền thống vào người. Mỗi sáng tôi vẫn đi, để mua quà sáng. Nhiều khi buổi chiều cha mẹ lại sai tôi đi mua thêm thứ gì đó lặt vặt. Nhưng tôi vẫn ghét chợ, mặc dù đó là nơi tôi tới để đem thức ăn, quà vặt, nhu yếu phẩm và cả các món đồ chơi.
Tôi ghét vì nó gắn liền với những cuộc mặc cả mà phần thua thường hay thuộc về đứa trẻ là tôi. Tôi ghét vì một bà bán thịt đã tranh thủ cắt cho tôi miếng mỡ khi tôi được sai đi mua thịt về cho mẹ xào.
Mẹ tôi cũng có một kỷ niệm đau khổ với cái chợ gần nhà. Hôm đó mẹ tôi vừa đi chợ về thì có một bà rượt theo tận nhà, bà ấy nói rằng mẹ tôi đã lấy mất con cá của bà ấy, và đòi mẹ tôi trả lại. Vậy là mẹ tôi lấy cái giỏ đi chợ, trút ra để bà ta xem là không có con cá nào hết. Hóa ra là bà đó bị một người lấy mất con cá trong giỏ và cũng được chính người đó mách rằng mẹ tôi là người lấy cá của bà, đại khái là một vụ trộm cắp và lừa đảo mang tính chất "ve sầu hóa kiếp".
Vì vậy cho nên sau đó tôi thích đi các siêu thị có niêm yết giá hơn. Lúc đó, chỉ có vài cái siêu thị như vậy, và chúng đều ở TP HCM. Tôi nhớ lúc mình vừa vào đại học, tôi vẫn thường hay đi siêu thị và cửa hàng sách, nơi có niêm yết giá đầy đủ, chỉ để đi dạo và ngắm nhìn.
Tôi mong ước sẽ có ngày mình đủ khả năng để đi mua sắm ở những nơi như vậy.
Giờ thì ước mơ của tôi đã thành sự thật, nên tôi không còn nghĩ nhiều tới cái chợ ở quê nhà. Khu chợ ấy vẫn còn đó, càng lúc càng vắng hơn, và lần gần nhất về thăm quê thì tôi thấy nó cũng không khác gì mấy.
Cách đây mấy năm, trước lúc dịch, một bác hàng xóm gọi video cho mẹ tôi, quay cảnh chợ tết ở cái chợ quê nhà. Hôm đấy thì người cũng tấp nập, bác ấy đi mua bông, tươi cười rạng rỡ. Tôi không hỏi và cũng không muốn hỏi xem giá cả thế nào.
Chợ đang chết dần. Ai cũng biết và các ý kiến về sự giải cứu đa phần chỉ là "biến chợ thành một phần của du lịch". Nói cách khác, ai cũng đồng ý rằng chợ là một khái niệm đang đi vào dĩ vãng, chỉ có cách bảo tồn bằng gán ghép giá trị cho nó.
Chợ không còn là một thứ có thể sống trên tác dụng chính của nó là mua bán, nên nó phải được gán ghép vào một thứ giá trị khác. Chữ truyền thống đựơc gắn vào, như một thứ nhãn mác mang tính văn hóa hay một thứ đồ cổ. Người ta mua chén bát để ăn, còn mua đồ cổ như cái chén thời nhà Thanh để trưng bày. Chợ cũng dần đi vào vị trí đó.
Những ai sinh ở thế kỷ trước đều có nhớ tới một số thứ như là kem chuối, sữa chua nhà làm để đi bỏ mối cho các gánh hàng rong, những gia đình có tủ lạnh bán nước đá cho hàng xóm. Rồi thì những người làm nghề bơm ga cho hộp quẹt, sửa chữa đồng hồ. Rồi mấy chiếc xe lôi đạp. Những thứ đó đều đã đi vào dĩ vãng, không ai nuối tiếc và cũng không nên nuối tiếc.
Gia đình tôi cũng nằm trong số những người đã đi qua dĩ vãng với nghề làm kem chuối, sữa chua. Tới tận giờ tôi vẫn còn ngán món chuối xiêm, còn mẹ tôi bây giờ hay đi siêu thị ở Mỹ để mua sữa chua làm giống, đem sữa bò ra lên men.
Có tay nghề nên giờ mẹ tôi vẫn hay sản xuất ra sữa chua nhà làm cho các cháu. Chúng tôi cảm thấy không nhớ, hay đúng hơn là rất mừng rỡ khi mình không còn theo nghề xưa, không cần phải ủ sữa chua để bán.
Cái chợ cũng vậy, nó đã phục vụ sứ mệnh lịch sử và giờ thì nên lùi lại để nhường chỗ cho siêu thị, cho cửa hàng có niêm yết giá. Các tiểu thương cũng nên tính toán đổi nghề trong tương lai gần.
Tôi có thể nói thẳng như vậy bởi vì gia đình tôi cũng đã trải qua những công việc mà bây giờ đã hết thời. Buông bỏ không phải chỉ là một khái niệm với tình cảm, nó còn là một khái niệm cần thiết trong kinh doanh.
Dòng thời gian không bao giờ ngừng trôi. Không đi theo dòng thì sẽ bị cuốn phăng.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.