Nội dung này được nêu trong nghị định 30/2021 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở, có hiệu lực từ ngày 26/3.
Theo đó, người dân đã được cấp số định danh cá nhân sẽ không cần sử dụng bản sao giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác, khi làm thủ tục liên quan đến nhà đất.
Tuy nhiên, việc sử dụng số định danh cá nhân như trên chỉ thực hiện được khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành.
Theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được khai trương cuối tháng 2, bước đầu đã kết nối với một số bộ, ban ngành, địa phương. Tuy nhiên đến 1/7, cơ sở dữ liệu này mới hoàn thiện ở giai đoạn hai, kết nối với dự án căn cước công dân và một số dữ liệu chuyên ngành khác.
"Ước tính với số định danh cá nhân, người dân sẽ không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải sao, chụp, chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân khi thực hiện khoảng 1.300 thủ tục hành chính, tiết kiệm 1.600 tỷ đồng một năm", đại diện Bộ Công an cho hay.
Vị này giải thích thêm, mã số định danh sẽ là "chìa khóa" để mở ra các trường thông tin về người dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi đó, các cơ quan sẽ tra cứu thông tin từ cơ sở dữ liệu này để giải quyết các thủ tục hành chính, thay thế cho việc người dân phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các loại giấy tờ. Qua đó, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của mọi người.
Số định danh cá nhân gồm 12 số được cấp cho công dân từ khi sinh ra (trong giấy khai sinh) cấp cho người đủ từ 14 tuổi trong thẻ Căn cước công dân. Mỗi mã số gắn với các trường dữ liệu công dân, được Bộ Công an thu thập và tích hợp, lưu giữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các cơ quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ được kết nối, chia sẻ dữ liệu số định danh của công dân để phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính.