Tham dự lễ khai trương có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an...
Theo đại diện Bộ Công an, đây là hai dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay, khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp các thông tin cơ bản, đầy đủ tính pháp lý về công dân.
Tới đây, người dân, doanh nghiệp thay vì phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện giao dịch với cơ quan Nhà nước, các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động thông qua thẻ căn cước gắp chip hoặc các cơ quan nhà nước tra cứu, khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, hai hệ thống giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho người dân.
Để triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an huy động gần 45.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư; đào tạo gần 24.000 cán bộ tại địa phương sử dụng hệ thống.
"Đến nay ngành công an cơ bản hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc, bảo đảm chính xác, cập nhật thường xuyên theo nguyên tắc đúng, đủ, sạch và dữ liệu sống", Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc cho hay.
Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng các hệ thống phát triển Chính phủ điện tử; giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân...
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân bảo đảm chính xác, minh bạch, an toàn...; đồng thời, đẩy nhanh quá trình kết nối dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ số, hướng tới kinh tế số, xã hội số...
Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2015 với tổng số vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án này thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân, tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp. Qua đó cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư (số liệu, cơ cấu, phân bổ và các biến động...) phục vụ quản lý nhà nước, hoạch định chính sách.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân; hướng tới bỏ quản lý sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý cư trú điện tử...
Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 9/2020 với tổng mức 2.800 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây dựng trung tâm sản thu nhận dữ liệu, sản xuất thẻ căn cước gắn chip điện tử; hệ thống hạ tầng, thiết bị cho công an trên toàn quốc.
Thẻ gắn chip có nhiều điểm mới so với căn cước cũ, gồm việc bổ sung chíp điện tử, mã QR code phục vụ tích hợp các thông tin dữ liệu cá nhân, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe... Với công nghệ mới, khi người dân đi làm thủ tục hành chính sẽ không cần mang theo giấy xác nhận chứng minh thư cũ (như khi đổi từ chứng minh thư sang thẻ căn cước mã vạch trước đây).
Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành công an đã thu thập được gần 600.000 hồ sơ và bắt đầu sản xuất, in thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho người dân. Dự kiến đến 1/7, 50 triệu người dân trên toàn quốc sẽ được cấp thẻ căn cước gắn chip.
Là đối tác chủ trì dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cùng liên doanh GTEL-ICT và Hadic, VNPT cho biết tuân thủ chuẩn cấp độ 4 về an ninh, an toàn thông tin theo quy định của Chính phủ. Tập đoàn này tối đa huy động nguồn lực, trong 5 tháng (từ 9/2020 đến tháng 2/2021) hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống và triển khai các phần mềm ứng dụng cũng như tổ chức đào tạo huấn luyện cho hơn 23.000 cán bộ chiến sĩ công an.
Đại diện VNPT đánh giá, cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ là nền tảng cho việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.