Chiều 27/1, tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2014 của Ban chỉ đạo 896 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, Văn phòng Ban chỉ đạo đã chỉ ra tiến độ xác định nguồn vốn và phê duyệt dự án khả thi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay đã chậm hơn 10 tháng so với kế hoạch tổng thể.
Ban chỉ đạo đã đề xuất việc phê duyệt dự án khả thi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải thực hiện muộn nhất trong tháng 3/2015 để kịp xây dựng thiết kế chi tiết; lập hồ sơ...
Trường hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì tổng thời gian xây dựng tối thiểu là 12 tháng. Trường hợp sử dụng nguồn vốn ODA thì thời gian xây dựng tăng thêm tối thiểu 6 tháng do phải thực hiện các thủ tục về quy trình quản lý các chương trình, dự án ODA. Như vậy, nếu được phê duyệt vào tháng 3/2015 thì ít nhất đến tháng 3/2016 hêj thống mới hoàn thành và bắt đầu nhập dữ liệu về công dân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tiền đề để triển khai các nhiệm vụ kỹ thuật khác nên nếu dự án khả thi được phê duyệt muộn hơn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các nội dung khác, đặc biệt là thời điểm triển khai cấp số định danh cá nhân (được xác định trong Đề án 896 và tính từ thời điểm Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch có hiệu lực là 1/1/2016).
Đồng ý với đề xuất này, thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an, cho rằng hiện nay về cơ bản các bước đã xong, cả Thủ tướng và Phó thủ tướng đã nghe về đề án này, tuy nhiên khó khăn nhất vẫn là vốn. Với 3.400 tỷ đồng thực hiện đề án, ông Vệ đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt để triển khai theo đúng kế hoạch.
Đại diện Bộ Công an cho hay, quá trình xây dựng đã nghĩ đến việc xã hội hoá và mời các doanh nghiệp, sau đó cũng nhận được thư ngỏ của doanh nghiệp phần mềm với giá thành chỉ một nửa. Bộ đã có ý kiến giải trình, ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, nhiều doanh nghiệp không tìm thấy nguồn thu ở đề án này vì Quốc hội không cho phép thu của công dân nên các doanh nghiệp xin rút.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguồn vốn 3.400 tỷ đồng là quá lớn, cần xem xét lại và tính kỹ đến phương án xã hội hoá, có thể tìm cách nào đó tác động đến phần mềm và chỉ cần mỗi clik chuột có thể thu được 1.000 đồng. Như thế chắc chắn doanh nghiệp sẽ rất quan tâm, giảm áp lực cho ngân sách.
Đại điện Bộ Tài chính thì cho rằng, hiện nhiều dự án đề án được trình lên tuy nhiên ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 30%, nên với dự án này có thể tìm nguồn vốn đầu tư khác như ODA, hay xã hội hoá. Còn luật có rồi, nếu không huy động được các nguồn khác thì bắt buộc phải bỏ ngân sách ra để làm.
Về góc độ quản lý bảo hiểm xã hội, ông Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho rằng nếu chậm triển khai đề án này lại càng là một lãng phí lớn. Vì việc đi mỗi đơn vị, bệnh viện phải mất thời gian làm giấy tờ cấp một mã số, cơ quan bảo hiểm phải mất 300 tỷ đồng để cấp cho người dân, nếu có mã số định danh chỉ cần cấp một lần. "Và nếu cơ sở dữ liệu tập trung thì các bệnh viện kết nối thông tin với nhau rất tốt, tiết kiệm chi phí và đơn giản hoá thủ tục cho người dân", ông Sinh nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc triển khai đề án này của các bộ ngành, tuy nhiên cũng chỉ đạo các bộ cần tiếp thu ý kiến về tính khả thi của đề án, xác định nguồn vốn, tài chính như thế nào để đảm bảo cho tình hình chung. Cần nghiên cứu đến nguồn vốn xã hội hoá, hay từ ODA, hay thuê phần mềm, quản lý ở ngoài, nhưng phải đảm bảo được an ninh.
Phó thủ tướng cũng giao các bộ Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kỹ, rà soát, tổ chức tập huấn... để báo cáo Chính phủ trong năm nay, và phải có phương án chính xác tránh xảy ra bất cập và lãng phí.
Ngày 8/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định phê duyệt đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 nhằm đổi mới tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phát triển Chính phủ điện tử.
Theo đó, sau khi hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hệ thống hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, từ năm 2016 sẽ cấp số định danh cho công dân và nhập thông tin cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bá Đô