Bác sĩ Lê Thị Gấm, Quản lý Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết chó, mèo thường được nuôi trong nhà, sinh hoạt, ăn uống và ngủ cùng chủ. Do đó, khi mang mầm bệnh, các con vật này là nguồn lây gần gũi nhất với con người.
Tiêu chảy do khuẩn Campylobacter và Salmonella
Vi khuẩn Campylobacter và Salmonellathường trú ngụ trong đường ruột của chó, mèo, thải ra ngoài qua phân. Chó chơi ngoài trời dễ dính mầm bệnh trên móng vuốt và lông. Từ đây, vi khuẩn có thể bám vào tay, quần áo và xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, gây đau bụng, tiêu chảy, co thắt dạ dày, nôn mửa và sốt.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Campylobacter là một trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy, là lý do phổ biến nhất gây viêm dạ dày ruột. Trẻ nhỏ, người già và suy giảm miễn dịch có thể tử vong nếu nhiễm khuẩn này.
Nhiễm khuẩn Capnocytophaga canimorsus
Còn Capnocytophaga canimorsus có trong nước bọt của chó, có thể gây sốt hoặc nhiễm trùng huyết. Người có hệ miễn dịch yếu như bệnh nhân ung thư, mới phẫu thuật hoặc người mới ốm dậy dễ gặp biến chứng nghiêm trọng do vi khuẩn này.
Capnocytophaga canimorsus trú ngụ trong nước bọt của chó và mèo khỏe mạnh, lây truyền sang người qua vết cắn, liếm, hoặc sống gần với động vật trong thời gian dài. Vi khuẩn có thể xâm nhập qua da khi không có vết thương.
Nhiễm giun, sán
Giun đũa chó (Toxocara canis) hoặc giun đũa mèo (Toxocara cati) lây nhiễm vào cơ thể thông qua chó, mèo. Trứng giun phát tán khi con vật liếm hậu môn sau đó liếm lên thân thể, vật dụng sinh hoạt hay mặt người.
Khi trứng xâm nhập cơ thể người, chúng di chuyển đến ruột, thoát vỏ thành ấu trùng, sau đó xuyên qua thành ruột và theo đường máu đến các cơ quan. Ký sinh trùng có thể gây tổn thương ở phổi, mắt, gan, não, tạo thành u trong các phủ tạng hoặc rối loạn chức năng tiểu cầu dẫn đến xuất huyết, viêm não.
Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasmosis
Đây là bệnh do nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii (T. gondii) ở mèo, hoặc ăn các loại thịt chưa nấu chín. Người khỏe mạnh có thể tự ngăn chặn ký sinh trùng này.
Tuy nhiên, ký sinh trùng có thể gây biến chứng nghiêm trọng ở người mang thai như nhiễm trùng mắt, não, dị dạng thai nhi, sảy thai. Trẻ sinh ra có thể gặp vấn đề về não, mắt, động kinh, chậm phát triển hoặc rối loạn máu.
Bệnh dại
Virus Rabies gây bệnh dại lây từ vật nuôi sang người thông qua vết cắn, cào, liếm. Thú nuôi đã được tiêm ngừa vẫn có thể mắc bệnh dại khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Khi phát bệnh, cả người và vật nuôi có tỷ lệ tử vong gần 100%.
Trẻ em là nhóm dễ bị cắn, cào do chưa biết cách tương tác đúng với thú nuôi, vô tình xâm phạm không gian riêng của con vật, hoặc giẫm, giật lông, tai, đuôi... Hàng năm thế giới có trên 10 triệu người bị cắn phải điều trị bằng vaccine dại, khoảng 60.000 người chết vì bệnh dại. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, dại là bệnh truyền nhiễm có số người tử vong cao nhất 2024 với 84 ca tử vong. Mỗi năm, có khoảng 500.000 người phải tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại, tiêu tốn khoảng 800 tỷ đồng.
Cách phòng bệnh
Bác sĩ Giang khuyến cáo, một số chó, mèo có vẻ khỏe mạnh nhưng mang virus, vi khuẩn gây bệnh, dễ lây lan khi sinh hoạt chung với người. Với các bệnh lây lan qua đường miệng, mọi người cần vệ sinh sạch sẽ, loại bỏ phân của thú cưng. Sau khi tiếp xúc với thú nuôi và trước khi ăn, mọi người cần rửa tay bằng xà phòng, đảm bảo ăn chín, uống sôi. Khu vui chơi của trẻ em cũng cần được vệ sinh sạch sẽ.
Để phòng chống lây lan dại, gia đình cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cho chó mèo. Phụ huynh cũng nên giám sát khi cho trẻ chơi, tránh khiến con vật tấn công trẻ, nên đưa con đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị khi bị cắn, cào.
Người dân nên tiêm vaccine ngay khi bị cắn, cào, liếm vào vết thương hở. Phác đồ đối với người chưa từng tiêm vaccine bao gồm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 8 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da), có thể chỉ định dùng thêm huyết thanh và huyết thanh, vaccine uốn ván. Bác sĩ có thể chỉ định dừng tiêm dựa vào tình trạng vết thương và theo dõi được con vật sau 10 ngày.
Vaccine cũng có thể tiêm dự phòng với phác đồ gồm 3 mũi vào các ngày 0-7-28, tiêm thêm 2 mũi và không dùng huyết thanh kháng dại nếu bị chó, mèo cắn cào.
Bình An