Nhau thai được nấu chín để ăn hoặc cung cấp cho các công ty y học cổ truyền. Với nhiều người Trung Quốc, nhau thai người, còn gọi là tử hà sa, được cho là phương pháp bồi bổ cho người có hệ miễn dịch kém, chữa bệnh lao, hạ huyết áp và tốt cho sinh sản.
Hoạt động buôn bán nhau thai chủ yếu tập trung ở thành phố Bạc Châu tỉnh An Huy, Bi Châu tỉnh Giang Tô và Vĩnh Thành tỉnh Hà Nam. Các thương lái thu mua nhau thai với giá khoảng 80 nhân dân tệ (12,3 USD) mỗi chiếc từ các bệnh viện, nhà máy xử lý rác thải y tế, thậm chí nhà tang lễ. Hoạt động này phi pháp, đồng nghĩa số nhau thai giao dịch không được giám định có mắc bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV, giang mai hay không.
Lin Xiu, bác sĩ sản khoa từ Bệnh viện Phụ sản, khu tự trị Choang Quảng Tây, cho biết: "Ăn nhau thai không khác gì ăn thịt". Nếu người mẹ mắc bệnh truyền nhiễm, nhau thai cũng mang virus. Nấu chín thông thường không thể tiêu diệt các loại virus đó. Chỉ phương pháp như khử trùng bằng hơi nước, thường được dùng để làm sạch dụng cụ phẫu thuật mới có thể làm điều này. Vì vậy, ăn nhau thai tươi có thể khiến bạn nhiễm bệnh.
Liu Yi, sinh sống tại Bi Châu, cho biết ông bán nhau thai từ năm 1996. Gia đình ông chế biến khoảng 130.000 nhau thai tươi vào năm ngoái. Một người khác, cũng ở thành phố này, là Yan Jun cho biết gia đình ông chế biến hơn 7.000 chiếc nhau thai người mỗi tháng thành hàng khô, với tổng trọng lượng 700-800 kg. Cả hai kiếm được khoảng 5 nhân dân tệ cho mỗi chiếc nhau thai khô.
Quá trình chế biến nhau thai bao gồm rửa, luộc, cắt nhỏ và nướng trong lò. Sau đó, nó được nghiền thành bột và tạo thành các viên nang riêng lẻ.
Theo Yan, việc lấy nhau thai người ở bệnh viện trước đó rất dễ dàng. Tuy nhiên, sau đợt truy quét nghiêm ngặt những năm gần đây, Yan phải chuyển sang tìm nguồn cung từ nhà máy xử lý rác thải y tế hoặc bên trung gian. Yan cho biết một trong những người này là nhân viên quét dọn tại một bệnh viện ở Ngạc Châu, Hồ Bắc.
![Túi nhau thai người tại một nhà thuốc cổ truyền ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/03/17/nlhhjhjkhjk-PNG-7162-1615970899.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NfaMLhxqmK9VXSlYxzozQA)
Túi nhau thai người được gọi là "tử hà sa" tại một nhà thuốc cổ truyền ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Bộ Y tế Trung Quốc quy định nhau thai thuộc quyền sở hữu của sản phụ. Khi các bà mẹ mới sinh quyết định từ bỏ, các bệnh viện sẽ xử lý chúng như rác thải y tế.
Trên nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao, nhau thai bé trai được bán với giá 480 tệ (73 USD), của bé gái là 450 tệ (69 USD). Sự khác biệt này bắt nguồn từ quan niệm lâu đời. Người Trung Quốc tin rằng nhau thai bé trai có lợi cho sức khỏe hơn. Người đăng bán sử dụng ngôn ngữ mơ hồ, khó hiểu để ngụy trang mặt hàng, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.
Một chủ gian hàng trực tuyến cho biết khách hàng dùng nhau thai nấu súp. Một khách để lại bình luận trên trang web này: "Tôi đã mua nhau thai nhiều lần. Tôi hầm hoặc băm nhỏ nó để nhồi bánh bao. Sau khi ăn nhau thai, chất lượng giấc ngủ và tình trạng da của tôi được cải thiện".
Một số hãng dược cũng bán sản phẩm liên quan đến nhau thai. Hoạt động này là kẽ hở của quy định hiện hành, là Bộ Y tế cấm buôn bán nhau thai người năm 2005, song không điều luật nào cấm bán "các loại thuốc bào chế từ nhau thai", cũng chưa có quy định kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu.
Luật sư Zhang Xinnian, làm việc tại Bắc Kinh, cho biết luật pháp thương mại Trung Quốc cũng có lỗ hổng. Không công ty hoặc cá nhân nào được quyền mua bán nhau thai, nhưng các phương tiện hành pháp hoặc chế tài xử phạt người vi phạm là không đủ. Các quan chức cho biết nhân viên bệnh viện buôn bán nhau thai sẽ bị điều tra theo pháp luật, bị phạt và thu lại số tiền kiếm được từ hoạt động phi pháp.
Thục Linh (Theo SCMP)