Bác sĩ chẩn đoán sản phụ ngôi thai ngược, phù bánh nhau toàn bộ, thai tràn dịch, hai chân phù to, phần đáy tử cung nổi gồ như quả bưởi, thắt ở giữa bụng, tiền sản giật trên nền bệnh lý thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh).
Ở tuần thai thứ 12, thai phụ siêu âm kết quả phù thai và nhau thai, thai đa dị tật. Bác sĩ tư vấn đình chỉ thai kỳ, tuy nhiên chị từ chối, cũng không đi khám thêm.
Bác sĩ xác định đây là trường hợp rất nguy hiểm, nếu không phẫu thuật kịp thời, sản phụ rất dễ bị băng huyết sau sinh vì tử cung quá to, phải chứa bánh nhau cùng thai nhi bị phù nề. Bác sĩ Vũ Thị Dung - Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, cho biết khi phẫu thuật, nước ối của sản phụ có màu xanh, bánh nhau nặng 3 kg, có khối máu tụ sau nhau 50 gram, tử cung co kém, tăng co cơ tử cung.
Các bác sĩ tiến hành thắt động mạch tử cung hai bên cầm máu bảo tồn tử cung và kiểm soát nguy cơ sản giật của sản phụ. Bé trai nặng 2 kg được các bác sĩ chuyên Khoa Sơ sinh cấp cứu nhưng không thành công do tình trạng phù đa màng quá nặng. Sau 30 phút, các bác sĩ cứu được mẹ, bảo tồn tử cung.
Sau 8 ngày điều trị, ngày 10/6, sức khỏe sản phụ ổn định, được ra viện.
Bác sĩ cho biết phù thai nhau là một bệnh lý cấp tính, rất hiếm gặp (tỷ lệ 1/1.000 ca sinh), có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi thai nào. Hơn một nửa số trẻ sơ sinh bị phù nhau nguy cơ tử vong ngay trước hoặc sau khi sinh. Nguy cơ mẹ tử vong cũng rất cao.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ để phát hiện những bất thường. Khi khám và sàng lọc có thai dị dạng bất thường nên đình chỉ thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thúy Quỳnh