Đó là đêm 7/4, khi Huy đang trực tại chốt ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép để phòng chống Covid-19, đóng sát biên giới Việt - Lào. Mẹ vừa dứt lời, Huy thấy tim mình thắt lại, những giọt nước mắt lã chã rơi. Cảm giác đau đớn, mất mát khiến anh thu mình nơi góc lều trong đêm đen đặc quánh của núi rừng Tây Bắc.
22 tuổi, đây là biến cố lớn nhất mà người lính Biên phòng phải chịu đựng. Huy ước, giá như không có dịch bệnh, không có cách ly xã hội, anh sẽ lập tức xin phép thủ trưởng về nhà ngay trong đêm để tiễn ba, để ôm động viên mẹ. Nhưng là quân nhân đang làm nhiệm vụ quan trọng, tiếp xúc với nhiều người có nguy cơ nhiễm bệnh từ bên kia biên giới trở về, phương tiện đi lại mùa dịch không có, anh nén chặt nỗi đau, cúi đầu tiễn ba từ chốt tiền tiêu cách nhà gần 400 km.
"Nếu tôi về quê đưa tang ba, gặp nhiều người, khi trở lại đơn vị phải cách ly 14 ngày thì nửa tháng đó, gánh nặng tuần tra, kiểm soát biên giới sẽ đổ lên vai đồng đội trong chốt. Ba tôi là một quân nhân, từng đi qua chiến tranh, ông sẽ hiểu và thông cảm cho con trai", Huy tâm sự.
Sáng hôm sau, được sự đồng ý của cấp trên, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đã giúp Huy lập bàn thờ vọng ngay tại Đồn. Đầu chít khăn tang, người lính trẻ cúi đầu trước di ảnh ba. Lãnh đạo huyện Mộc Châu và đồng đội đến thắp hương, chia buồn; đại diện Đồn cũng về Nam Định thay Huy đưa tiễn thân sinh. "Lấy đau thương làm động lực phấn đấu nhé", trung tá Sa Trọng Thời, Chính trị viên của Đồn ôm chặt lấy Huy dặn dò.
Lời an ủi đó khiến anh lính Biên phòng nhớ lại lần cuối cùng gặp cha, dịp Tết nguyên đán 2020 cách đây bốn tháng. Lúc đó, ông ốm nặng nằm một chỗ, không còn nói được nữa nên Huy kê đệm nằm cạnh để tiện chăm sóc. Anh kể cho ba nghe về công việc của mình, còn ông, chỉ nhìn con với ánh mắt trìu mến, như muốn dặn dò "cố gắng làm tốt công việc của người lính bảo vệ biên cương".
"Khi tôi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự giữa năm 2018, được về phép thăm nhà và báo tin sắp đi học trinh sát đặc nhiệm, ba đã rất vui mừng. Ông dặn tôi hai điều, luôn học hỏi và làm việc toàn tâm toàn ý. Đó cũng là lần cuối cùng tôi được nghe ông nói", Huy kể.
Một tuần trôi qua kể từ khi ba mất, ngày nào cậu lính trẻ cũng gọi điện về động viên mẹ. Anh kể cho bà nghe về chốt tạm dựng dưới rừng tre ở bản Hong Lúa, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, cạnh cột mốc 252, sát đường biên. Mái lán dựng tạm bằng những tấm bạt xanh, nơi Huy và hai đồng đội chốt trực 24/24 ở cách Đồn 22 km đường đồi núi, xung quanh không có nhà dân. Những ngày mưa, đường vào chốt rộng chừng một mét nhão nhoẹt bùn đất, không thể đi xe máy mà phải đi bộ từng bước.
Chốt có ba lính Biên phòng và một dân quân chia ca tuần tra, kiểm soát. Người không trực sẽ tranh thủ nghỉ ngơi và lo cơm nước. "Sau khi ra trường vào tháng 7/2019, tôi nhận quyết định lên Sơn La công tác, đến 23/9 thì được phân công về Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập. Dịch bệnh ập đến bất ngờ, tôi vào rừng chốt biên với các anh. Đây là cơ hội để rèn giũa và thực nghiệm ăn núi ngủ rừng", Huy nói.
Cùng chung nỗi đau mất cha khi đang bám biên chống dịch, trung úy Nguyễn Đình Thông, 26 tuổi, Đội trưởng vũ trang Đồn Biên phòng Thạnh Trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An cũng phải tiễn biệt cha từ chốt chống dịch ở biên cương. Anh nhận tin dữ khi đang tuần tra biên giới ở xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường lúc 14h ngày 2/4.
Quê tận Hà Tĩnh, nhiệm vụ chống dịch lại đang thời kỳ cao điểm khi Campuchia đã phát hiện các ca nhiễm nCoV. Thông và đồng đội luôn trong tình trạng căng mình làm nhiệm vụ. Khu vực biên giới ở xã Thanh Trị có nhiều đường mòn, lối mở, người dân hai nước thường qua lại thăm thân. Nếu không kiểm soát chặt, dịch bệnh có thể xâm nhập vào trong nước qua biên giới.
Trước điều kiện ngặt nghèo đó, dù là anh trai cả trong gia đình, Thông không thể về nhà chịu tang cha. Để an ủi chàng lính trẻ và thể hiện tình cảm với người đã khuất, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Thạnh Trị đã lập bàn thờ vọng với bát hương, hoa quả ngay trước chốt kiểm soát mà trung úy Thông cùng 5 cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Nhiều đồng đội đã đến thắp hương, chia sẻ nỗi đau mất cha với Thông.
"Bố tôi cũng là lính biên phòng, từng công tác ở Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Do sức khoẻ yếu, ba năm trước ông xin nghỉ hưu sớm. Năm ngoái phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo", Thông nói và cho biết, Tết nguyên đán vừa rồi, anh được đơn vị cho nghỉ phép về thăm gia đình, không ngờ đó là lần cuối được gặp cha.
Trong gần một tháng nghỉ Tết, anh tranh thủ đưa bố ra bệnh viện Bạch Mai xạ trị. Những ngày ở viện, ông tâm sự với con trai điều mình lo lắng nhất, đó là chưa dựng vợ gả chồng được cho hai con. Ông mong muốn Thông thay ông chăm sóc cho cô em gái vừa ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm đối mặt với khó khăn trong cuộc sống.
"Tôi gắn bó với biên cương theo truyền thống gia đình. Những việc cha tôi còn trăn trở, lo lắng, cả nhiệm vụ quân đội và trách nhiệm với gia đình, tôi sẽ thay ông gánh vác", Thông tâm sự.
Trong cuộc họp trực tuyến toàn quân của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Bộ Quốc phòng mới đây, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Hoàng Xuân Chiến xúc động khi nhắc đến những người lính phải hi sinh tình riêng để lo việc nước. Ông nói, nhiều người bố mẹ, anh em ruột mất, vợ con ốm đau đi bệnh viện cấp cứu cũng không được về; hàng chục cán bộ, chiến sĩ hoãn cưới vợ, hoãn cưới con.
Từ cuối tháng một, khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, bộ đội Biên phòng đã rời Đồn lên bám biên chống dịch. Khoảng 10.000 cán bộ, chiến sĩ đang trực 24/24 ở các đường mòn, lối mở từ Bắc vào Nam để ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, không cho Covid-19 xâm nhập qua biên giới.
Quỹ Hy vọng, báo VnExpress đã tặng 2.100 bộ quần áo bảo hộ, 1.500 khẩu trang vải chống giọt bắn, 105 lít nước rửa tay, 310 mũ cá nhân chống giọt bắn và hơn 30 lều dã chiến cho bộ đội biên phòng Hà Tĩnh. Chương trình"Chung tay cho Tuyến đầu chống dịch"vẫn đang chờ đợi sự đóng góp của độc giả. Địa chỉ tiếp nhận tài trợ tại đây.