Trở về lán sau chuyến tuần tra, thượng úy Hoàng Văn Hạnh, nhân viên quân y chốt 168, đồn Biên phòng Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai xách theo hai bó rau xanh mướt. "Hôm nay gặp khóm tàu bay, lạc tiên nên hái về cải thiện bữa ăn", anh nói, cho rau vào ngâm trong chiếc chậu nhựa bạc màu.
Dựng lán trong rừng chốt chặn đường mòn, lối mở khu vực biên giới để phòng dịch, anh Hạnh và đồng đội "dựa vào rừng mà sống". Nước hứng từ khe suối, củi khô nhặt trong rừng đem về đun, rau xanh cũng tranh thủ hái dọc đường tuần tra. "Rau rừng ngon lắm, ăn nhiều thành nghiện đấy", anh cười.
Vớt rau trong chậu, người lính quê Ninh Bình cho hay, rau tàu bay còn có tên khác là kim thất, là cây dại mọc hoang ở ven đồi, có vị hơi đắng. Còn cây lạc tiên là loại dây leo, thân mềm, lá cây mọc so le hình trái tim, mép và hai mặt có lông mịn, tua cuốn cuộn tròn.
Bắc nồi nước lên bếp tạm bên sườn núi, thượng sĩ Lê Minh Hùng, học viên Học viện Biên phòng được tăng cường lên biên giới chống dịch nói sẽ luộc rau tàu bay, còn lạc tiên đem xào tỏi. Dù mới nhận nhiệm vụ một tháng, Hùng đã kịp làm quen với cách chế biến tất cả loại rau dại đồng đội hái trên đường tuần tra.
Được thay ca về Đồn chiều qua, sáng Hùng dậy sớm đi chợ mua gà về làm thịt, tẩm ướp gia vị rồi mang lên chốt. Thời gian học nấu ăn, pha chế, sau đó làm anh nuôi khi nhập ngũ giúp chàng trai quê Bình Định có "tay nghề" làm bếp vượt trội so với mọi người. Để các anh có bữa cơm ngon miệng sau những giờ trèo đèo, vượt suối kiểm soát biên giới, Hùng luôn nghĩ cách chế biến nhiều món. Như rau rừng hôm nay nấu canh, ngày mai sẽ luộc, xào, làm nộm. Gà thì ngoài xào xả ớt có thể nướng, rang; cá có thể làm món kho tộ, kho tiêu...
"Thậm chí nếu lỡ may chốt hết gạo mà chưa kịp về Đồn lấy, đồ ăn trong rừng cũng sẽ đảm bảo một vài ngày với củ từ luộc, rau rừng nấu mì tôm", Hùng nói.
Ở chốt 170 cách đó vài km, những người lính quân hàm xanh cũng đặc biệt thích món ăn được chế biến từ rau củ rừng. Hàng ngày, những người không có ca gác sẽ men theo các lối mòn đi đào củ từ, củ mài, tìm hoa chuối rừng, rau tầm bóp, rau má... cải thiện bữa ăn.
Đại úy Tẩn Sành Nhàn, chính trị viên phó của đồn, phụ trách chốt 170, nói củ từ sau khi đào đem đốt cháy trụi hết lông và gai bên ngoài để tránh bị xơ, sau đó sẽ mang nấu. Còn hoa chuối thì được xắt thành sợi, ngâm trong chậu nước rồi vớt ra rổ để xào tỏi hoặc trụng qua nước sôi làm món nộm.
"Củ từ hầm hay hoa chuối xào tỏi luôn có trong bữa cơm của lính vì vị chát dịu hòa cùng mặn, ngọt, rất lạ và ngon", anh Nhàn nói.
Ở đây, rau lạc tiên còn được đại uý Lù A Vinh, đội trưởng trinh sát dùng nấu nước uống. Anh bảo, các loại rau rừng không chỉ sạch mà còn được xem là loại dược liệu quý, như lạc tiên nấu nước uống có vị thanh mát, giải độc, bổ gan.
"Chúng tôi lập chốt bám biên hơn hai tháng qua, ngoài việc tận dụng rau rừng cung cấp vitamin cho bữa ăn, anh em còn cuốc đất quanh lán để trồng hành sả, gieo các giống rau. Muốn có sức để chống dịch, bộ đội phải biết chăm lo sức khỏe cho mình", đại uý Vinh tâm sự.
Đại tá Kiều Phi Hùng, Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai, cho biết tất cả cán bộ, chiến sĩ đều đã được hướng dẫn cách nhận biết và sử dụng các loại rau rừng. Khi huấn luyện dã ngoại và các tình huống tác chiến, bộ đội sẽ được học đặc điểm từng loại rau, từ thân, lá, hoa, quả, màu sắc, mùi vị, thời gian, địa hình cây sinh trưởng... để nhận biết loại có thể ăn được và loại nào độc hại.
"Từ những kiến thức đó, cán bộ, chiến sĩ đã vận dụng linh hoạt vào thực tiễn. Khi phải làm nhiệm vụ trong rừng sâu, sát biên giới, bộ đội chọn những loại rau, củ ở rừng để chế biến thành các món ăn, nước uống, phần nào bảo đảm hậu cần khi thực hiện nhiệm vụ", đại tá Hùng nói.
Hai tháng qua, dọc tuyến biên giới đất liền, các đơn vị bộ đội biên phòng đã tổ chức hàng nghìn tổ, đội với hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở; quản lý, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, không để Covid-19 lây truyền qua biên giới.