Chốt kiểm soát phòng chống Covid-19 ở mốc 170 (3) được lập ngày 30/1, trên gò đất phẳng phía đông huyện Mường Khương, cách biên giới ở ngã ba sông Xanh - sông Chảy chừng một km.
Đứng ở mái lán nhỏ lợp bằng cỏ tranh, Lù A Vinh và đồng đội có thể nhìn rõ phía dưới, nơi bên trái là nhà máy thuỷ điện của Trung Quốc, bên kia sông là chốt của đồn Biên phòng Simacai (tỉnh Lào Cai). Nhiệm vụ của các anh là chốt chặn, kiểm soát người qua lại biên giới trái phép để ngăn dịch bệnh lây lan.
Xách chiếc ấm đun nước khói bám đen, Vinh mở nắp, đổ đầy nước, đặt lên bếp kê tạm bằng đá và ba thanh sắt. Mỗi ấm khoảng 3 lít, đủ cho bốn người uống trong một ngày. "Riêng nước uống, nước nấu cơm, canh cũng đã hơn 10 lít, nên lượng nước 10 lít còn lại phải dùng rất tiết kiệm mới đủ cho hai ngày", anh nói.
Vinh rửa rau trong chậu nước màu vàng đục. Đây là nước được những người lính lấy dưới sông lên để rửa rau, rửa bát..., khi nào sạch mới tráng lại bằng nước mang từ đồn. "Nước sông ô nhiễm lắm, nhưng quanh chốt vài cây số không có nổi một khe nước nhỏ nên bắt buộc phải dùng thôi", Vinh cho hay.
Bữa cơm chiều biên giới đạm bạc và nhanh chóng kết thúc dưới ráng chiều vàng vọt. Dọn dẹp xong, cả bốn người đi tuần dọc bờ sông đến 23h về lán, tiếp tục thay nhau gác đến sáng. Cả ngày tuần tra rồi vào bếp nấu cơm, lớp mồ hôi này chưa kịp khô thì lớp khác đã túa ra khiến chiếc áo Vinh mặc khô cong. Anh chỉ dám lấy chút nước làm ướt khăn, lau mặt rồi lau qua người, ngả lưng xuống tấm ván kê trong lán chợp mắt, chờ đến ca gác.
"Điều kiện sinh hoạt khó khăn, để đảm bảo sức khoẻ cho bộ đội, cứ hai ngày một lần, chúng tôi lại thay ca, để những người trực được về đồn tắm giặt, nghỉ ngơi, khi quay lại thì mang theo nước ra chốt", đại úy Tẩn Sành Nhàn, Chính trị viên phó, người được giao phụ trách chốt 170 (3) cho hay.
Cách đó vài km, cán bộ, chiến sĩ ở chốt 168 (2) cũng sống trong cảnh thiếu nước sạch trầm trọng. Dù quãng đường từ đồn đến chốt gần hơn so với 170 (3), nhưng nước sạch không thể đưa từ đồn vào do đường đi quá khó khăn. Một bên là núi cao, một bên vực sâu, đoạn đường 8 km đã bị mưa lớn xói mòn trơ đá với nhiều khúc cua tay áo, chỉ những người giàu kinh nghiệm mới có thể lái xe qua.
Để có nước nấu ăn, từ ngày đầu lập chốt, bộ đội chia nhau đi tìm mạch nguồn, khe suối. May mắn là cách chốt vài cây số có một mạch nước nhỏ, người dân dùng dây dẫn về chân ruộng để làm nương. Hàng ngày, những lúc rảnh rỗi, bộ đội lại xách can nhựa đi hứng nước.
"Nước ở đây bị nhiễm đá vôi nên sau khi lấy về chúng tôi phải lắng nhiều lần mới dùng được. Chắc là vẫn chưa sạch vì ấm nhôm đun nước sau vài hôm đã bị một lớp bột trắng bám đáy. Đời lính ăn núi ngủ rừng, anh em chấp nhận thôi", thiếu tá Lê Văn Khương nói.
Cũng như đồng đội chốt trên, anh Khương không có nước tắm dù chốt ở cạnh sông do nước nhuốm màu xanh ô nhiễm. Mái lán giữa thung lũng cũng khô khốc khi hàng ngày hứng những đợt gió nóng hanh hao.
Trung tá Đinh Văn Lào, Chính trị viên đồn Biên phòng Tả Gia Khâu cho hay, khu vực đồn đóng quân được ví là "Trường Sa cạn" vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt, ít mưa, thiếu nước. Thổ nhưỡng ở đây chỉ toàn đá xít nghèo chất dinh dưỡng và không giữ nước, mỗi khi mưa xuống nước lại trôi tuột đi. Cả vùng chỉ có một nguồn nước duy nhất từ khe đá trên núi Phìn Chư, cách đơn vị hơn 5 km.
Theo anh Lào, năm ngoái vẫn còn cảnh ban ngày bà con đi lấy nước để sản xuất và sinh hoạt, chiều tối mới đến lượt bộ đội nên đồn có hẳn "đội săn nước đêm". Để những người lính và nhân dân ở Tả Gia Khâu bớt khổ, gần đây Bộ Quốc phòng đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng dẫn nước về đồn, người dân trong vùng có thể đến lấy về sử dụng. Tuy vậy, các chốt phòng chống Covid-19 hiện nay đều đóng cách xa đồn, đường sá đi lại khó khăn.
Đại tá Kiều Phi Hùng, phó chỉ huy, tham mưu trưởng Biên phòng Lào Cai nghẹn lời khi nhắc đến những đồng đội đang làm nhiệm vụ chốt chặn ở biên giới. "Thời tiết khắc nghiệt, nước thiếu đến nỗi cây cối còn không sống được, người dân bỏ đi nơi khác sống, nhưng bộ đội vẫn ở đó, vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà không một lời than thở", anh nói.
Vừa qua biên phòng Lào Cai lập 41 chốt kiểm soát dịch bệnh, đặt tại các đường mòn, lối mở dọc biên giới trải dài hơn 182 km.
Hàng ngày, các tổ công tác gồm bộ đội biên phòng, dân quân, tự vệ địa phương... đi tuần tra, kiểm soát liên tục để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh xâm nhập vào nội địa.