"Lúc ấy tôi cứ nghĩ mình sắp chết rồi. Anh ta lôi kéo, quăng quật tôi khắp nhà. Tôi tưởng hôm đó sẽ là ngày chết của mình", Maria Arnadottir, sống trong căn hộ ở ngoại ô Reykjavik, thủ đô Iceland, kể về trận đòn của bạn trai cũ hồi tháng 7/2016.
Arnadottir cho biết từng bị người bạn trai đánh nhiều lần, nhưng chưa có trận đòn nào dã man đến vậy. Theo hồ sơ tòa án, cô đã bị bạn trai hành hung, gây nhiều thương tích khi anh ta cố giật điện thoại khỏi tay để ngăn Arnadottir gọi điện báo cảnh sát.
Nhiều ngày sau vụ tấn công, Arnadottir vẫn khó thở. Cuối cùng, cô phải nhập viện cấp cứu.
Nhiều tháng sau, cô lấy hết can đảm tới trình báo cảnh sát, gửi cả ảnh chụp vết thương, hồ sơ y tế, danh sách nhân chứng chứng kiến hành vi bạo lực và lạm dụng tâm lý mà cô từng chịu đựng, cũng như tin nhắn văn bản của bạn trai cũ thừa nhận đã hành hung cô và đe dọa phát tán ảnh khỏa thân của Arnadottir nếu cô lên tiếng.
Theo hồ sơ tòa án, người bạn trai phủ nhận hành hung Arnadottir, nhưng thừa nhận đã gửi tin nhắn đe dọa cô. Đối với cảnh sát, những tin nhắn đó là chưa đủ để kết tội anh ta.
Một năm rưỡi sau, cảnh sát thông báo với Arnadottir rằng họ đã đóng hồ sơ sự việc vì không đủ chứng cứ để đề nghị truy tố người bạn trai của cô. Arnadottir sau đó phát hiện ra rằng cảnh sát chưa bao giờ thẩm vấn anh ta và để vụ án hết thời hiệu điều tra.
Iceland từ lâu đã được ca ngợi là "thiên đường với phụ nữ". Trong suốt 12 năm liên tiếp, Iceland được Diễn đàn Kinh tế Thế giới vinh danh là quốc gia hàng đầu về bình đẳng giới.
Quốc gia này có luật trả lương bình đẳng và chống phân biệt giới tính hàng đầu thế giới. Phụ nữ chiếm 47% ghế quốc hội và 46% trong hội đồng quản trị các công ty Iceland.
Nhà nước hào phóng trợ cấp chăm sóc trẻ em cho mọi đối tượng, cũng như miễn phí chăm sóc thai sản. Nhưng đối với Arnadottir và nhiều phụ nữ khác đang đấu tranh để thực thi công lý, thiên đường nữ quyền Iceland trên thực tế khác xa tên gọi, buộc họ phải kiện ra tòa.
Đơn kiện chính phủ Iceland được đệ trình lên Tòa án Nhân quyền châu Âu từ hồi tháng 3, với sự hỗ trợ của Stigamot, một tổ chức phi chính phủ chuyên vận động chống bạo hành gia đình và bạo lực tình dục.
Steinunn Guðjónsdóttir, phát ngôn viên của Stigamot, cho hay nhóm đã xem xét một số vụ cáo buộc bạo lực với phụ nữ gần đây bị cảnh sát hoặc công tố viên bác bỏ và nhận thấy một số vụ vi phạm quyền của nạn nhân.
Guðjónsdóttir cho biết những vi phạm này bao gồm phớt lờ bằng chứng, để thời hiệu khởi kiện hết hiệu lực do cảnh sát không hành động, đổ lỗi cho nạn nhân và hoàn toàn thiếu minh bạch. Bà cho biết vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa luật bình đẳng giới và các biện pháp thực thi trên thực tế.
"Hệ thống tư pháp Iceland coi hiếp dâm là một trọng tội và quy định rõ khung hình phạt, nhưng lại không đầu tư nhân lực hay dành ưu tiên xử lý tình trạng này. Khi xảy ra một vụ giết người, điều rất hiếm ở Iceland, toàn bộ lực lượng cảnh sát sẽ tham gia điều tra, đây chắc chắn là một ưu tiên lớn. Nhưng ưu tiên ấy không dành cho một vụ hiếp dâm", Guðjónsdóttir nói.
Bà cho rằng tính minh bạch cũng là một vấn đề, bởi theo luật Iceland, nạn nhân không có quyền xem hồ sơ vụ án của mình, nghĩa là họ không thể giám sát tiến trình điều tra của cảnh sát.
Bình luận về cuộc điều tra đơn tố cáo của Arnadottir, Bộ Tư pháp Iceland cho biết "dù có một số sai sót nhất định, chính phủ cho rằng sai sót ấy không đến mức nghiêm trọng tối thiểu" để bị coi là vi phạm Công ước châu Âu về Nhân quyền.
Cảnh sát Iceland không bình luận về vụ án Arnadottir.
Một nghiên cứu được Đại học Iceland công bố năm 2018 cho thấy 25% phụ nữ nước này cho biết từng bị cưỡng hiếp hoặc suýt bị cưỡng hiếp trong đời, khoảng 40% từng bị bạo hành thể xác hoặc tình dục.
Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 30% phụ nữ toàn cầu từng bị bạn tình hoặc không phải bạn tình có hành vi bạo lực tình dục hoặc bạo hành thể xác.
Trong nghiên cứu, hai chuyên gia y tế cộng đồng Unnur Anna Valdimarsdottir và Arna Hauksdottir, đã khảo sát hơn 30.000 phụ nữ, gần bằng một phần ba toàn bộ dân số nữ tại Iceland, sinh sống ở khắp các khu vực nông thôn và thành thị, đại diện cho một bộ phận xã hội Iceland.
Hai chuyên gia thừa nhận đã sốc khi công bố kết quả nghiên cứu. "Chúng tôi rất ngạc nhiên vì tỷ lệ phụ nữ từng bị bạo hành thể xác hoặc tình dục trong suốt cuộc đời rất cao", Hauksdottir nói.
"Ai cũng khó tin rằng đây là con số thực", Valdimarsdottir nói thêm, nhất là với quốc gia có văn hóa bình đẳng giới mạnh mẽ như Iceland.
"Iceland là một nơi tuyệt vời với phụ nữ. Chúng tôi được hưởng chính sách y tế, chăm sóc trẻ em, giáo dục và rất nhiều thứ mà đa phần người dân khắp thế giới không có, thế nhưng chúng tôi lại có con số trên", Hauksdottir nói.
Cô nhận định có thể những tiến bộ mà Iceland đạt được trong bình đẳng giới có thể là nguyên nhân con số phụ nữ bị bạo hành cao.
"Lý do có thể là phụ nữ ở đây ý thức được mình đang bị bạo hành theo một cách nào đó và báo cáo", cô nói. "Ở những quốc gia khác có tình trạng đó không? Những số liệu này có lẽ gần với sự thật hơn".
Nghiên cứu cho thấy một điều đáng lo ngại khác là tỷ lệ phụ nữ từng bị bạo hành giống nhau ở mọi thành phần xã hội Iceland.
"Xuất thân khác nhau, trình độ học vấn khác nhau, thu nhập khác nhau... nên không liên quan tới giai cấp", Valdimarsdottir giải thích. "Điều đó khiến ta bắt đầu nghĩ rằng đây có phải là một quy luật tự nhiên nào đó không? Có phải là một phần trong hành vi con người không?"
Có một nhóm không ngạc nhiên trước kết quả nghiên cứu là Öfgar, tập hợp những nhà hoạt động nữ quyền nhằm tuyên truyền cho cộng đồng về nạn bạo lực và cưỡng hiếp ở Iceland. Nhóm cho rằng con số thực tế còn cao hơn.
"Không một bạn nữ nào của tôi nói rằng chưa từng bị lạm dụng, quấy rối tình dục hay đang trong một mối quan hệ độc hại", Helga Ben, một nhà hoạt động của nhóm, nói trong quán cà phê ở Reykjavik hồi tháng 10.
5 thành viên của Öfgar cũng kể lại trải nghiệm bị cưỡng hiếp, ép buộc quan hệ, lạm dụng tình dục và quấy rối. Họ nói về nỗi nhục nhã mà mình từng trải qua hết lần này tới lần khác và gọi đó là "lời nguyền thế hệ".
"Quan niệm Iceland là một thiên đường nữ quyền đã ngăn chúng tôi lên tiếng từ khi còn bé", Ólöf Tara, một thành viên trong nhóm, cho biết. "Người lớn sẽ chất vấn: Con có gì mà giận dữ như vậy, hãy nhìn những phụ nữ ở các nước đang phát triển kìa. Con ở đây là quá tốt rồi".
"Chúng tôi chưa bao giờ có quyền lên tiếng về tình trạng bạo lực mà phụ nữ đối mặt suốt nhiều năm qua. Bạn càng im lặng, bạo lực càng trỗi dậy, bởi nếu nói ra, một số người sẽ đồng cảm với câu chuyện của bạn và bắt đầu tìm kiếm giúp đỡ, phá vỡ rào cản thế hệ lâu nay. Tôi học im lặng từ mẹ tôi, còn mẹ tôi học từ bà tôi, giống như bà tôi học từ cụ tôi và tôi lại tiếp tục truyền lại cho con cái mình nếu chúng ta không lên tiếng về nó", Hulda Hrund Sigmundsdottir nói.
Tara đã nỗ lực tương tác với những người trẻ, nâng cao nhận thức cho họ thông qua các video hài hước về những vấn đề như tình dục đồng thuận và nạn cưỡng hiếp khi hẹn hò.
Họ cũng giúp đỡ các nạn nhân, đóng vai trò quan trọng trong làn sóng thứ hai chống quấy rối tình dục của phong trào #MeToo ở Iceland. Nhóm nhận ra cần phải làm gì đó khi liên tục nhận được tin báo về hành vi bạo hành và quấy rối tình dục của một người đàn ông rất nổi tiếng tại Iceland.
"Nạn nhân tìm đến chúng tôi, kể những việc ông ta đã làm trong 10 năm bạo hành nhiều phụ nữ và chúng tôi nghĩ rằng không thể để việc này tiếp diễn. Ông ta không được phép tiếp tục làm thế", Tanja Ísfjörð, một thành viên khác của nhớm Öfgar, nói.
Öfgar không nêu tên người này, nhưng công bố đơn tố cáo của hơn 20 phụ nữ từng bị ông ta lạm dụng và quấy rối, châm ngòi cho làn sóng phản đối kịch liệt khắp đất nước. Thêm nhiều nạn nhân nữa lên tiếng, nhưng nhóm cũng đối mặt với nhiều phản ứng, trong đó có những lời đe dọa.
"Chúng tôi bị cáo buộc bịa đặt thông tin để hủy hoại danh tiếng của ông ta, nhưng những người thực sự bị hủy hoại chính là các nạn nhân", Tanja Ísfjörð nói.
Người đàn ông này đã bị loại khỏi danh sách một sự kiện văn hóa lớn ở Iceland. Ông ta phủ nhận mọi cáo buộc, đe dọa sẽ kiện nhóm Öfgar và đòi bồi thường thiệt hại. Người này không bị khởi tố bất kỳ tội danh nào và cũng không phản hồi yêu cầu bình luận của báo chí.
Có thể Tòa án Nhân quyền châu Âu sẽ mất vài năm để xử lý đơn kiện của Arnadottir, nhưng cuộc đấu tranh của cô vẫn tiếp tục. Cô cho biết đã phải nghỉ làm sau khi được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD). Cô cho rằng hệ thống tư pháp phải chịu trách nhiệm cho vấn đề sức khỏe tâm thần của mình.
Fjalar Sigurðarson, nhân viên truyền thông của Bộ Tư pháp Iceland, thừa nhận đã có sai lầm trong quá trình điều tra đơn tố cáo của Arnadottir. Ông cho hay cảnh sát Iceland chậm trễ hành động vì "không chắc chắn" nên áp tội danh nào với người bị tố cáo.
Dù cáo buộc hành hung nhắm vào bạn trai cũ của Arnadottir hết thời hiệu điều tra, anh ta năm 2020 vẫn bị kết tội có hành vi gửi tin nhắn đe dọa cô và bị tuyên mức án 45 ngày tù treo, cũng như bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Tòa án Iceland hồi đầu năm bác bỏ kháng cáo của anh ta, giữ nguyên phán quyết.
"Điều này chứng minh vụ án đã được hệ thống tư pháp Iceland xem xét nghiêm túc", Sigurðarson nói.
Giám đốc cảnh sát quốc gia Iceland Sigríður Björk Guðjónsdóttir đã công khai xin lỗi Arnadottir vì "tổn thương mà cô phải chịu đựng do hệ thống tư pháp", nhấn mạnh lực lượng cảnh sát đang nỗ lực cải cách và "áp dụng cách tiếp cận bảo vệ nạn nhân" trong các vụ án liên quan đến bạo lực giới.
"Tôi có con gái, có bạn bè, tôi không muốn bất kỳ ai trải qua những gì tôi đã chịu đựng", Arnadottir nói. "Chúng ta cần thay đổi hệ thống".
Hồng Hạnh (Theo CNN)