Nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Dân chủ Bền vững (Alda) tại Iceland và tổ chức tư vấn chính sách Autonomy của Anh thực hiện theo hai đợt thử nghiệm từ năm 2015 đến 2019.
Chương trình được thử nghiệm với 2.500 người lao động, chiếm khoảng 1% dân số trong độ tuổi lao động tại Iceland. Trong chương trình này, người lao động được giảm thời gian làm việc xuống còn 4 ngày một tuần nhưng không bị giảm thu nhập.
"Nghiên cứu cho thấy khu vực công đã đủ điều kiện tiên phong cho mô hình tuần làm việc ngắn hơn. Đây là bài học cho những chính phủ khác", Will Strong, giám đốc nghiên cứu của Autonomy, chia sẻ trong kết luận nghiên cứu được công bố ngày 4/7.
Người lao động tham gia thử nghiệm chỉ làm việc 35-36 tiếng mỗi tuần. Theo kết luận từ Alda, đời sống của người lao động được cải thiện đáng kể ở mọi khía cạnh, từ cách đối mặt áp lực đến mức mệt mỏi, sức khỏe và độ cân bằng giữa công việc với cuộc sống. Trong khi đó, năng suất và công việc vẫn được đảm bảo, thậm chí còn cải thiện ở nhiều môi trường làm việc.
Hai đợt thử nghiệm của chương trình kéo dài trong vòng 5 năm bao gồm nhiều môi trường làm việc đa dạng, từ văn phòng truyền thống đến bệnh viện. Chương trình được khởi động bởi hội đồng thành phố Reykjavik và chính phủ Iceland. Chính những chiến dịch vận động của công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự đã thúc đẩy sáng kiến này ra đời.
Báo cáo của Alda và Autonomy mô tả cuộc nghiên cứu 5 năm qua là "khuôn mẫu" cho những thử nghiệm khác trong tương lai tại nhiều nước. Theo báo cáo này, khoảng 86% người lao động ở Iceland đang làm việc với số giờ mỗi tuần ít hơn hoặc "dần đòi được quyền rút ngắn giờ làm việc".
Nhà nghiên cứu Gudmundur D. Haraldsson của Alda nhấn mạnh hành trình rút ngắn tuần làm việc tại Iceland cho thấy ý tưởng làm việc ít hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả có thể thực hiện được trong thời đại này. "Sự thay đổi tiến bộ này là điều khả thi", ông nói.
Trung Nhân (Theo CBS)