Ngoài ra, để giảm gánh nặng dân sự và hình sự mà cả bệnh nhân và bác sĩ phải chịu trong trường hợp sự cố y tế xảy ra, chính phủ có kế hoạch thiết lập một quy định giao tiếp giữa hai bên, gọi là "Luật giải thích tai nạn y khoa". Thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo về tiến trình cải cách y tế ngày 20/8.
"Hệ thống giấy phép tại thời điểm ban hành luật y tế vẫn có hiệu lực, nhưng không đủ đảm bảo khả năng hành nghề một cách độc lập", Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho biết.
Tuy nhiên, quyết định này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các bác sĩ. Họ cho rằng đây là chính sách sai lầm, nhằm ngăn chặn các bác sĩ hành nghề ngoài bệnh viện. Theo hệ thống đào tạo nhân viên y tế hiện tại, các bác sĩ tốt nghiệp trường y và vượt qua kỳ thi quốc gia sẽ nhận được giấy phép hành nghề y. Họ có thể hành nghề ngoài bệnh viện, độc lập với tư cách bác sĩ đa khoa (general practitioner) mà không cần trải qua học bác sĩ y khoa (medical doctor).
Theo Bộ Y tế và Phúc lợi, tỷ lệ người bắt đầu làm bác sĩ đa khoa ngay khi nhận được giấy phép hành nghề từ 12% năm 2013 lên khoảng 16% năm 2021. Giới chức lo ngại về tình trạng các bác sĩ khám chữa bệnh độc lập ồ ạt mà không trải qua giai đoạn đào tạo thêm khi tốt nghiệp có thể ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Bộ tin rằng loại giấy phép y tế mới sẽ làm tăng tay nghề điều trị lâm sàng. Các cải cách mới nằm trong gói chính sách y tế thiết yếu công bố hồi tháng 2.
Tại phiên thảo luận công khai gần đây của Ủy ban Cải cách Y tế, một số ý kiến cho rằng Hàn Quốc cần cấp bằng riêng cho các bác sĩ đã trải qua kỳ thực tập và nội trú. Ở Anh, các bác sĩ cần có giấy phép y tế riêng biệt. Tại Canada, bác sĩ cũng cần học hai năm sau khi tốt nghiệp mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
"Xét đến sự an toàn của bệnh nhân, cộng đồng y tế quan ngại về việc các bác sĩ chỉ cần học 6 năm trường y sau đó mở bệnh viện độc lập", Kang Seul-ki, người đứng đầu bộ phận Đổi mới Nhân lực Y tế của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc nhận định.
Phẫn nộ trong giới y khoa
Cộng đồng bác sĩ phẫn nộ trước quyết định này. Họ cho rằng giới chức đang tìm cách khai thác các chuyên ngành, kéo dài thời gian đào tạo, hạn chế mở các bệnh viện tư nhân. Thực tế, sau khi tốt nghiệp đại học y, việc vào thẳng các phòng khám hành nghề rất khó khăn.
Đơn vị đầu tiên phản đối quyết định của chính phủ là Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc. Họ gọi đây là "chính sách trục xuất các bác sĩ khỏi lĩnh vực y tế". Choi Anna, người phát ngôn của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, cho biết: "Giấy phép y tế mới sẽ gây ra sự nhầm lẫn nghiêm trọng trong hệ thống do vi phạm tất cả các quy định chung về chuyên ngành và chuyên môn". Theo ông, số lượng bác sĩ khám cho bệnh nhân sẽ giảm mạnh.
Theo ông, giấy phép y tế mới vi phạm nguyên tắc, hiến pháp về quyền tự do hành nghề của các bác sĩ. "Liệu có đúng không khi áp dụng nhiều chính sách từ Ủy ban Cải cách Y tế mà không có sự tham gia thảo luận của các hiệp hội y khoa", ông nói.
Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế và Phúc lợi cho biết các quy định mới nhằm nâng cao khả năng giao tiếp và thấu hiểu giữa bệnh nhân - bác sĩ, giống với Mỹ, Canada và Australi. Tại Trung tâm Y tế Đại học Michigan, số vụ kiện tụng về sự cố y khoa đã giảm từ 2,13 xuống 0,75 sau khi ban hành "luật công bố thông tin".
Đầu năm nay hàng nghìn bác sĩ Hàn Quốc đã đình công sau khi Chính phủ quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh viên y khoa, cuốn theo các giáo sư y khoa giảm giờ làm hoặc từ chức, bệnh viện giảm hoạt động ảnh hưởng bệnh nhân, gây khủng hoảng y tế nghiêm trọng tại nước này.
Thục Linh (Theo Yonhap, MK)