Kể từ đó đến nay, anh không quay trở lại làm việc. Kim không đổi nghề. Anh tham gia vào cuộc đình công nhằm phản đối quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh của chính phủ. Giới chức có kế hoạch nhận thêm 2.000 sinh viên trường y trong năm tới. Điều này gây phẫn nộ trong cộng đồng bác sĩ. Họ cho rằng thứ cần thay đổi là chế độ lương thưởng, đãi ngộ, thay vì tăng sự cạnh tranh.
"Sẽ hợp lý hơn nếu chính phủ mở rộng hạn ngạch tuyển sinh sau khi đã cải thiện điều kiện làm việc", Kim cho biết.
Kim không phải người duy nhất có quan điểm này. Ryu Ok Hada ở trong tâm thế tương tự. Dù mong muốn giúp đỡ người bệnh vẫn luôn hiện hữu, bác sĩ thực tập trẻ tuổi quyết định nghỉ việc.
"Hệ thống y tế tuyệt vời của Hàn Quốc vận hành bằng cách bắt các bác sĩ thực tập làm việc ngày đêm với mức lương bèo bọt", Ryu nói khi đang đứng bên ngoài bệnh viện, chiếc áo blouse trắng đã buông thõng trên cánh tay.
Công việc của cả Kim và Ryu là những mắt xích quan trọng tại các cơ sở y tế, tham gia vào những thủ tục y khoa thiết yếu như cấp cứu hoặc phẫu thuật. Họ cho biết bản thân đang làm việc quá sức, bị trả lương thấp và không được lắng nghe.
Theo Hiệp hội Thực tập sinh Hàn Quốc, các bác sĩ thực tập và nội trú nước này trực ca 36 giờ, nhiều hơn so với ca dưới 24 tiếng ở Mỹ. Báo cáo cho thấy chỉ một nửa số bác sĩ trẻ ở Mỹ làm việc 60 giờ một tuần trở xuống. Trong khi đó, bác sĩ Hàn Quốc thường xuyên làm việc hơn 100 giờ.
Đây cũng là thời lượng trực một tuần của Ryu tại bệnh viện đại học danh tiếng nhất đất nước, với mức lương từ 2 triệu won đến 4 triệu won (1.500-3.000 USD) một tháng, bao gồm cả tiền làm thêm giờ. Theo dữ liệu của Hiệp hội Y khoa Mỹ, một bác sĩ nội trú năm đầu của nước này kiếm trung bình 5.000 USD một tháng.
"Tại sao chúng tôi lại bị coi như những kẻ phản diện sau khi cống hiến thời gian và sức lực của mình để cứu người. Chúng tôi cũng lo sợ mối quan hệ với bệnh nhân sẽ bị hủy hoại chứ", Kim nói.
Đến nay, nhiều bệnh viện vẫn chưa xử lý đơn xin từ chức của các bác sĩ phản đối. Chính phủ đưa ra tối hậu thư yêu cầu họ quay trở lại làm việc, đe dọa bắt giữ hoặc thu hồi giấy phép, cho rằng hành động của họ là không thể biện minh, coi thường mạng sống người bệnh. Trong khi đó, các bác sĩ lập luận lệnh này là vi hiến, buộc họ phải làm việc trái ý muốn.
Thực tế, bác sĩ đình công chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 100.000 bác sĩ của Hàn Quốc, nhưng chiếm đến hơn 40% lực lượng tại các bệnh viện giảng dạy lớn, thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong phòng cấp cứu, chăm sóc đặc biệt và phẫu thuật.
Bên cạnh cải thiện về lương và giờ làm, những người đình công muốn được bảo vệ nhiều hơn về mặt pháp lý khi xảy ra sự cố y khoa. Theo Joo Su-ho, phát ngôn viên của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, nhiều trường hợp, bác sĩ không được bồi thường thỏa đáng khi đứng trước các mối đe dọa về pháp lý, dù điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh của chính phủ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến những thí sinh y khoa tương lai.
Nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế được đánh giá cao tại Hàn Quốc nhờ sự ổn định, lương cao và vị thế xã hội tốt. Người Hàn gọi những sinh viên xuất thân từ tầng lớp lao động, tìm được việc làm danh giá như bác sĩ là "con rồng bay lên từ dòng suối nhỏ". Chỉ 3% trong tổng số thí sinh được tuyển vào 40 trường y trên toàn quốc. Một nửa số bậc phụ huynh nước này mong muốn con họ trở thành bác sĩ.
Yu Ji-yeon, thủ khoa 18 tuổi đến từ Seoul, cho biết cô học ít nhất 10 tiếng mỗi ngày ngoài giờ lên lớp, chỉ nghỉ để ăn. Cô được nhận vào hai trong số 6 trường y mình nộp đơn, vượt qua muôn vàn khó khăn. Là sinh viên năm nhất, ban đầu, cô muốn xả hơi một hoặc hai học kỳ để trải nghiệm cuộc sống bên ngoài lớp học. Nhưng giờ đây, Yu không có khái niệm nghỉ ngơi. "Sau này, tôi sẽ bước chân vào lĩnh vực y tế với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn", Yu nói.
Cuộc khủng hoảng tại Hàn Quốc cho thấy những thách thức và rủi ro mà chính phủ có thể gặp phải khi thực hiện những thay đổi lớn trong hệ thống y tế một cách quá đột ngột.
Năm qua, bác sĩ nội trú tại Anh, Đức và quận Queens của thành phố New York, Mỹ, đã đình công. Nhưng Hàn Quốc đối mặt với vấn đề nghiêm trọng hơn: dân số già đi nhanh chóng và số bác sĩ trên đầu người thấp. Trong các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ Mexico có ít bác sĩ trên đầu người hơn Hàn Quốc.
Hàn Quốc có hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, với chi phí tự chi trả thấp. Điều này có nghĩa người Hàn đến phòng khám nhiều hơn bất kỳ nước tiên tiến nào khác, gấp hai lần mức trung bình của OECD.
Nước này có khoảng 140.000 bác sĩ. Theo ước tính của chính phủ, trong khoảng thập kỷ tới, đất nước này dự kiến sẽ thiếu 15.000 bác sĩ.
Khía cạnh gây tranh cãi nhất trong giải pháp của chính quyền Yoon là tăng quá nhiều chỉ tiêu, từ mức 3.000 lên 5.000 người, bắt đầu từ năm tới. Là một phần của cuộc cải cách, Hàn Quốc cũng sẽ tăng chi phí y tế tại các bệnh viện bên ngoài đô thị Seoul - nơi có khoảng 50% trong số 52 triệu dân của đất nước sinh sống.
Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc lập luận trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất thế giới, nước này không cần thêm bác sĩ. Việc tăng số lượng sẽ làm suy giảm chất lượng chăm sóc y tế, tăng cường cạnh tranh tại các bệnh viện tuyến đầu, nơi có rất ít vị trí cho các lĩnh vực chuyên môn.
Park Dan, bác sĩ thực tập tại Seoul, cho biết anh bị giằng xé giữa việc điều trị cho bệnh nhân và chính sách của chính phủ. "Với niềm tự hào được chữa bệnh cho mọi người, tôi đã đi xa đến mức này. Như nhiều bác sĩ nói, thật đau lòng và khó khăn khi phải rời xa người bệnh. Nhưng hệ thống đã bị bóp méo, chúng ta cần điều gì đó tốt hơn thế", anh nói.
Giống với đồng nghiệp của mình, quyết định từ chức của bác sĩ Kim không đến một cách bồng bột. Anh đã học 6 năm tại trường y, làm bác sĩ y tế công cộng 18 tháng và thực tập thêm một năm. Anh làm việc ít nhất 80 giờ một tuần. Tính theo giờ, lương của anh tương đương với mức tối thiểu cả nước, khoảng 7,4 USD một tiếng.
Dù vậy, anh vẫn động viên nhiều người chọn ngành y. "Tôi muốn các bạn biết cảm giác thật sự khi được cứu người là thế nào", Kim nói.
Thục Linh (Theo WSJ, Reuters)