Hàn Quốc có kế hoạch tuyển thêm 2.000 sinh viên vào các trường y từ năm 2025 và chính phủ gần đây đã thu thập yêu cầu từ các trường để xác định nhu cầu tuyển sinh của họ.
"Theo kết quả được Bộ Giáo dục tổng hợp về chỉ tiêu tuyển sinh các trường, 40 trường đại học đã nộp đơn đề nghị tuyển thêm tổng cộng 3.401 sinh viên", Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Min-soo hôm nay cho hay.
Con số này cao hơn đáng kể so với 2.847 chỉ tiêu tuyển thêm mà các trường y trên toàn quốc muốn có trong cuộc khảo sát năm ngoái.
Theo giới chức, 13 trường y ở Seoul đã nộp đơn xin tuyển thêm 930 sinh viên. 27 trường y ở các khu vực khác xin tuyển thêm 2.471 sinh viên.
Thông báo về chỉ tiêu tuyển thêm của các trường y được đưa ra khi khoảng 9.000 bác sĩ nội trú Hàn Quốc, tương đương 70% bác sĩ nội trú cả nước, đã nghỉ việc kể từ ngày 20/2, dẫn đến nhiều ca phẫu thuật bị hủy và gây đình trệ dịch vụ khám chữa bệnh ở nước này. Hàn Quốc đang kiểm tra các bệnh viện để truy cứu những bác sĩ nội trú không trở lại làm việc theo lệnh của chính phủ và sẽ tước giấy phép hành nghề của 7.000 người.
Khoảng 10 giáo sư trường y thuộc Đại học Quốc gia Kangwon ở thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon, cách Seoul 76 km về phía đông, hôm nay quyết định cạo đầu để phản đối việc trường xin bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh.
"Nhiều giáo sư đã bày tỏ phản đối tăng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng trường đưa ra quyết định ngược lại", Ryu Se-min, người đứng đầu trường y thuộc Đại học Quốc gia Kangwon, cho biết.
Giáo sư trường y ở những khu vực khác thông báo ý định từ chức hoặc nộp đơn từ chức. Một giáo sư tim mạch tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Chungbuk ở thành phố Cheongju, tỉnh Chungcheongbuk-do, cách Seoul 112 km về phía nam, nộp đơn từ chức để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh, cho rằng không có lý do gì để ở lại bệnh viện nếu không thể làm việc với các bác sĩ nội trú đang đình công.
Tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Kyungpook ở thành phố Daegu, một giáo sư phẫu thuật bày tỏ ý định từ chức trên mạng xã hội, đồng thời chỉ trích chính phủ vì đe dọa bác sĩ nội trú đình công.
Chính phủ Hàn Quốc cho hay việc tăng sinh viên trường y là cần thiết bởi nước này có tỷ lệ bác sĩ trên dân số thấp nhất trong các nước phát triển. Việc này sẽ cải thiện dịch vụ y tế tại vùng sâu vùng xa và đáp ứng nhu cầu của đất nước đang già hóa dân số nhanh chóng.
Tỷ lệ bác sĩ tại Hàn Quốc là trung bình 2,6 người trên 1.000 dân, thấp nhất trong nhóm nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tỷ lệ trung bình của OECD là 3,7 bác sĩ trên 1.000 dân.
Nhưng trái với quan điểm của chính phủ, các bác sĩ nội trú nói đất nước không cần thêm bác sĩ vì đã có đủ, việc tăng tuyển sinh sẽ làm giảm chất lượng đào tạo cũng như dịch vụ khám chữa bệnh, với lập luận rằng dân số đang giảm và người Hàn Quốc vốn dễ tiếp cận dịch vụ y tế. Mức độ điều trị ngoại trú trung bình trên mỗi người dân nước này là 14,7 lần một năm, cao hơn mức trung bình của OECD.
Các bác sĩ nội trú cũng cho rằng chính phủ cần giải quyết điều kiện làm việc cho họ trước khi tính tới tăng số lượng nhân viên y tế. Bác sĩ nội trú Hàn Quốc thường phải làm việc 80-100 giờ trong 5 ngày mỗi tuần, tương đương 20 tiếng mỗi ngày, khiến nhiều người cảm thấy quá tải.
Họ cho rằng tình trạng này chỉ có thể được cải thiện bằng cách tuyển thêm bác sĩ nhiều kinh nghiệm, không phải tăng thêm số sinh viên và bác sĩ mới ra trường. Hiệp hội Y tế Hàn Quốc (KMA), đại diện đa số bác sĩ ở nước này, còn cáo buộc kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y là một biện pháp dân túy nhằm củng cố vị thế của chính phủ trước thềm bầu cử.
Trong khi đó, một số quan chức Hàn Quốc cho rằng các bác sĩ nội trú đình công tập thể vì lo ngại kế hoạch tăng tuyển sinh trường y sẽ kéo theo tăng mức độ cạnh tranh, ảnh hưởng đến thu nhập cũng như địa vị xã hội của họ. Bác sĩ là một trong những nghề có thu nhập cao nhất và được trọng vọng nhất ở Hàn Quốc.
Dư luận Hàn Quốc và nhiều tổ chức y tế khác lại ủng hộ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y. Khảo sát từ Công đoàn Y tế Hàn Quốc (KMHU) cuối 2023 cho thấy gần 90% công chúng ủng hộ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y, tăng gần 20% so với năm 2022.
Nhưng các bên ủng hộ cũng nhấn mạnh kế hoạch tăng bác sĩ sẽ chỉ có hiệu quả khi đi kèm với các biện pháp nâng cao vị thế của hệ thống y tế công, thừa nhận thị trường hóa y tế là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều chuyên khoa kém thu hút hơn.
Huyền Lê (Theo Yonhap, Reuters)