Ba ngày sau khi Bộ Công Thương báo cáo về tình hình tắc nghẽn vận chuyển hàng hoá do Covid-19, ảnh hưởng đến nông sản, chiều 24/2, Văn phòng Chính cho biết Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo phải giải quyết ngay vấn đề này.
Phó thủ tướng giao các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan sớm có hướng dẫn, hỗ trợ, có giải pháp giúp hàng hoá thuận lợi lưu thông, xuất khẩu, tiêu thụ. Trong đó, ông lưu ý đến nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và nông sản tại địa phương có dịch Covid-19.
Tuy nhiên, hoạt động giải quyết ách tắc này cũng cần đáp ứng yêu cầu phòng Covid-19.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh khâu kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Ở những vấn đề mà Bộ không xử lý được, cần kịp thời đề xuất lên Thủ tướng.
Chiều 24/2, lãnh đạo Hải Phòng thông báo, cho phép các phương tiện vận tải hàng hoá được lưu thông trên Quốc lộ 5 từ 20h trong khi chờ Bộ Công Thương ban hành quy trình lưu thông hàng hoá ra vào vùng dịch. Địa phương cũng khuyến khích các phương tiện không nhận, trả hàng tại Hải Dương không đi qua đoạn đường này.
Hải Phòng cũng kéo dài hiệu lực của giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 từ 3 ngày thành 5 ngày. Bên cạnh đó, các lái xe, phụ xe chở hàng hoá từ Hải Phòng đi các nơi khác phải có giấy xác nhận ghi rõ họ tên của chủ phương tiện hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã; Các chủ phương tiện, chủ giao nhận hàng phải giám sát lái xe áp dụng các biện pháp chống dịch và phải chịu trách nhiệm nếu những người này làm lây lan Covid-19 trong quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hoá.
Theo số liệu được địa phương ghi nhận, có 90.760 tấn rau, củ, quả các loại chưa tiêu thụ, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Dẫn lại phản ánh của địa phương, Bộ Công Thương cho biết đang có vướng mắc ở các trạm kiểm dịch như năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời; kết quả xét nghiệm không thể hiện được thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm; chưa có quy trình hướng dẫn thống nhất đảm bảo an toàn chống Covid-19 trong sản xuất, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển nông sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài...
Trước đó, từ đầu tháng 2, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã liên tục có công văn gửi các địa phương, đặc biệt là Hải Phòng – nơi có quyết định dừng tiếp nhận cả công dân lẫn hàng hoá của Hải Dương, Bộ Công Thương đề nghị tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá. Tính đến ngày 22/2, Hải Phòng và Hải Dương vẫn chưa thống nhất được phương án lưu chuyển xe hàng. Tắc nghẽn lưu thông khiến nông sản Hải Dương thiệt hại ước tính 300-400 tỷ đồng, theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh này.
Đức Minh