Đầu tháng 2, lãnh đạo tỉnh Hải Dương - địa phương là tâm dịch của đợt bùng phát Covid-19 đầu năm 2021 - liên tục có công văn gửi các địa phương, đặc biệt là Hải Phòng (ít nhất 4 lần), Bộ Công Thương đề nghị tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá. Đặc biệt, ngày 16/2, Hải Phòng quyết định dừng tiếp nhận không chỉ công dân mà cả hàng hoá từ tỉnh này trong thời gian giãn cách xã hội. Giáp ranh Hải Dương, Hải Phòng vừa là thị trường tiêu thụ, vừa thuộc tuyến đường vận chuyển hàng hoá của tỉnh.
Tắc nghẽn lưu thông khiến nông sản Hải Dương thiệt hại ước tính 300-400 tỷ đồng, theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh này. Đơn vị này cũng có văn bản nhờ Hiệp hội Vận tải Việt Nam đề nghị giúp đỡ nhưng đến nay vẫn chưa được.
Trong phương án giao nhận hàng hoá mới nhất đưa ra hôm 21-22/2, Hải Dương đề xuất tập trung các lái xe có kết quả âm tính, hàng hoá tại chốt kiểm dịch giáp ranh hai tỉnh, sau đó tiến hành trao đổi. Tuy nhiên, lãnh đạo Hải Phòng cho rằng chốt kiểm soát chật hẹp, không thể để các xe tập kết, doanh nghiệp thành phố này cũng không chấp nhận giao đổi xe. Hải Phòng vẫn khẳng định quan điểm "không ngăn sông, cấm chợ" nhưng phải có phương án hợp lý, tránh bùng dịch.
Trong lúc chờ thống nhất phương án của các địa phương, chỉ đạo của Thủ tướng sau báo cáo của Bộ Công Thương gửi hôm 21/2, nông sản Hải Dương đang trông chờ vào phong trào giải cứu tự phát của người dân và một số hệ thống chuỗi bán lẻ vừa được Bộ, Sở Công Thương kết nối gần đây.
Theo nhìn nhận của một số chuyên gia, có hai vấn đề cần phải lưu tâm khi nói đến câu chuyện của Hải Dương.
Về việc điều phối liên tỉnh, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) đánh giá, việc Hải Phòng cấm hàng hoá lưu chuyển từ Hải Dương là vô lý. Theo ông, quyền tự quyết phong toả ở các địa phương là khái niệm hẹp, trong địa bàn quản lý, còn với những vấn đề liên tỉnh, ví dụ như với tuyến đường 5 có tính chất kết nối quan trọng, vẫn cần có sự điều phối từ Chính phủ. Do vậy, Chính phủ cần sớm có chỉ đạo để điều phối cho các tỉnh, tránh để tình trạng như hiện nay các địa phương có một cách hiểu, cách phòng dịch khác nhau.
"Cách làm của các Bộ, ngành vừa rồi là chỉ đưa ra hướng dẫn, còn lại, trao quyền cho các địa phương quyết định việc phong toả để chống dịch. Nhưng nếu có phần chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ từ các Bộ, ngành, cách thức xử lý sẽ hiệu quả hơn", ông Đồng nói. Hiện lãnh đạo địa phương đang bị gắn trách nhiệm trong việc kiểm soát dịch, hình sự việc vi phạm nếu có, dẫn đến làm mạnh tay để triệt tiêu rủi ro.
Theo ông, nên thành lập một tổ chuyên trách với thành viên đến từ các Bộ để nắm vấn đề sâu sát tại các địa phương. "Hiện chỉ có Bộ Y tế là thường trực, bộ ngành khác liên quan đến kinh tế hầu như chưa có được sự sát sao với các địa phương bị dịch", ông bình luận. Trong khi đó, ngành y tế sẽ không thể nào nắm được các thông tin liên quan đến hàng hoá, nông sản, những rủi ro kinh doanh trên địa bàn, dẫn đến việc không điều phối được chính sách liên ngành giữa y tế và kinh tế.
Chưa kể, quy trình xử lý các chính sách cũng còn chậm trong bối cảnh dịch bệnh. Gần 1 tuần sau khi Hải Dương gửi văn bản về Bộ Công Thương, Thủ tướng mới nhận được báo cáo từ phía Bộ này. "Cần nhóm chuyên trách để xử lý những vấn đề như thế, các quy trình sẽ đi nhanh hơn. Trong dịch, nếu vẫn đi theo quy trình bình thường thì bao giờ mới xử lý xong? Không ai chắc chắn được rằng các cụm tỉnh khác không gặp vấn đề, vì vậy phải có mô hình vận hành chuẩn để có thể ứng phó", ông Đồng bình luận.
Một nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) về bài học có thể rút ra từ cách thức Trung Quốc phản ứng với chuỗi cung ứng nông phẩm trong Covid-19 nhấn mạnh rằng sự hợp tác, phối hợp của nhiều bên liên quan ở các cấp độ khác nhau là rất quan trọng để đạt được kết quả tức thì và hiệu quả.
FAO cũng cho rằng cần thiết có cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, điều phối nhiệm vụ giữa các bên cũng như các nội bộ của các cơ quan.
Sau sự xuất hiện của Covid-19, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thiết lập cơ chế phòng ngừa và kiểm soát chung vào ngày 21/1/2020. Cơ chế này gồm 32 bộ phận, nhóm công tác liên quan đến phòng chống dịch, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đối ngoại, hỗ trợ hậu cần... Trong 40 văn bản chính sách được ban hành trong cơ chế này, vấn đề về đảm bảo ổn định sản xuất, cung ứng nông sản được đặc biệt chú trọng.
Trung Quốc đã nêu bật lại chính sách "food basket - giỏ thực phẩm", khởi xướng thập niên 1980, thúc giục việc thực thi hiệu quả hoạt động sản xuất lương thực ở cấp địa phương. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã thành lập một nhóm nhỏ chỉ chịu trách nhiệm về "giỏ thực phẩm" do nhóm hỗ trợ hậu cần lãnh đạo. Nhóm này sẽ lên lịch sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, cân đối cung - cầu và giải quyết các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng thông qua việc hợp tác đa kênh, đa cấp. Song song với các hướng dẫn tổng thể của cơ chế này, các biện pháp thực tế sẽ được thực hiện dựa trên đặc thù của từng địa phương.
Về cách giải cứu nông sản, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết việc để nông sản phải "giải cứu" thể hiện sự kém cỏi trong xây dựng kế hoạch. Nông nghiệp là ngành chủ lực, trụ đỡ cho nền kinh tế, tác động lớn nhất đến người dân. "Nếu xây dựng phương án kinh doanh mà không tính được dự phòng, năng lực quản trị rủi ro thì sản xuất kinh doanh luôn bấp bênh, thiếu bền vững", bà nói.
Covid-19 hiện không còn là thứ dịch bệnh đột xuất, ông Nguyễn Quang Đồng nói thêm. Sau hơn 1 năm, nền kinh tế đã đi vào giai đoạn "bình thường mới". Điều này đặt các địa phương phải có phương án giống với Bộ Y tế khi đưa ra các kịch bản nếu dịch bệnh xảy ra, kinh tế, hàng hoá trên địa bàn phải ứng phó như thế nào.
"Nông sản có mùa vụ hết cả rồi. Địa phương cần lên kế hoạch vào mùa cao điểm, dịch bùng phát thì quy trình thu hoạch, giãn cách, luân chuyển hàng hoá như thế nào. Covid-19 không còn là sự bất ngờ như thiên tai, lũ lụt, thay vào đó cần có sự chuẩn bị kỹ", ông cho biết.
Theo ông, tư duy giải cứu cần phải bỏ, thay vào đó là tư duy mới: Xử lý, thông thương hàng hoá trong giai đoạn dịch như thế nào với các quy trình, quy định, cách làm mới. "Giải cứu kiểu từ thiện sẽ không phù hợp cho nền kinh tế", ông Đồng nói và nhấn mạnh "Điều này cũng phản ánh các cơ quan chức năng làm kế hoạch kém".
Viện trưởng IPS cũng cho rằng nên chia trách nhiệm lập kế hoạch cho địa phương lẫn cơ quan bộ, ngành. Đơn vị cấp bộ cần có sự đôn đốc và điều phối các vấn đề liên tỉnh như lưu thông hàng hoá, tiêu chuẩn kiểm dịch..., còn ở cấp cơ sở, đó là các kế hoạch cụ thể, bám sát tình hình thực tế. Câu chuyện của Hải Dương, theo đó, có thể là bài học tham khảo cho các tỉnh, địa phương khác trong việc lên kế hoạch, phòng ngừa rủi ro trong Covid-19 khi dịch bệnh có thể bất ngờ bùng phát ở bất cứ đâu.
Đức Minh