Thông tin Chính phủ đề xuất nới trần bội chi loan đi từ Diễn đàn Kinh tế Mùa thu do Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức tuần qua, và được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định tại buổi họp báo thường kỳ chiều 29/9.
Theo Bộ trưởng, câu chuyện nới trần bội chi ngân sách đã được Chính phủ bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất sẽ đề xuất với Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.
"Nhu cầu đầu tư rất lớn ở mọi nơi, mọi lĩnh vực. Những công trình trước đây phải giãn hoãn theo chương trình cắt giảm đầu tư công, nay đang khởi động trở lại mà thiếu vốn. Trong khi đó, nguồn thu từ thuế và đất đai giảm nhiều do thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường, doanh nghiệp. Trước đây cứ 100 đồng GDP chúng ta có trên 30 đồng để đầu tư, nay chỉ còn 19 đồng", ông lý giải nguyên nhân Chính phủ đưa ra đề xuất tăng chi.
Mức bội chi Quốc hội duyệt cho cả năm nay là 4,8% GDP, ngân sách dành 185.000 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản, kèm 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Theo tính toán, cứ tăng bội chi thêm 1% GDP, Chính phủ có thêm 40.000 tỷ đồng từ ngân sách.
Để đảm bảo kinh tế 2014 tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 5,5-5,8%, Chính phủ dự tính cần tối thiểu 255.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển.
"Cân đối tổng số thu và chi, Chính phủ buộc phải đề nghị tăng bội chi và dành toàn bộ phần bội chi 5,3% GDP này để đầu tư phát triển. Các khoản thu từ đất, khoáng sản, xổ số kiến thiết cũng dành toàn bộ cho đầu tư. Chính phủ mong các đại biểu Quốc hội hiểu tình hình, hiểu nhu cầu vốn đầu tư ở các địa phương và nhìn nhận đây là giải pháp cần thiết trong bối cảnh khó khăn", Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Theo ông, khi đề xuất nới trần bội chi, Chính phủ đã tính toán kỹ lưỡng, tuân thủ trần nợ công hiện nay và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. "Ngay như vốn ODA năm nay, một mặt chúng ta vẫn vận động, kêu gọi tài trợ, nhưng cũng kiên quyết nếu dự án nào không hiệu quả thì kiên quyết không nhận", ông cho biết thêm.
Tình hình kinh tế xã hội 9 tháng, theo nhận định của Chính phủ, đã chuyển biến tích cực, đúng hướng, tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, bước đầu đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 1,06% so với tháng trước, và tăng 4,65% so với cuối năm ngoái, thấp nhất 4 năm qua. So với cùng kỳ năm trước CPI tăng 6,3%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,14%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái (5,1%). Tốc độ tăng trưởng tăng dần từ 4,76% của Quý I lên 5% của Quý II và 5,54% của Quý III.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định nền kinh tế phục hồi chưa vững chắc, lạm phát được kiềm chế nhưng đã có dấu hiệu tăng trở lại, tiến độ thu ngân sách nhà nước thấp so với kế hoạch. Thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm và thấp hơn cùng kỳ. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động còn cao.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, căn cứ chỉ tiêu lạm phát cả năm (khoảng 7%), dư địa còn lại cho 3 tháng cuối năm còn khoảng 2,4%. "Nếu không kiểm soát tốt, mỗi tháng mà tăng với tốc độ trên 1% như tháng 9 thì không thể đạt chỉ tiêu đã đề ra cho cả năm", Bộ trưởng nói thêm.
Tình hình phát triển doanh nghiệp, theo ông, cũng chưa đạt yêu cầu. Qua từng tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và số đã ngưng hoạt động nay quay trở lại đang tăng dần. Nhưng số doanh nghiệp ngưng hoạt động cũng tăng cao.
"Nhiều chính sách đề ra từ đầu năm Nghị quyết 01, 02 hay gói hỗ trợ thị trường bất động sản dường như đến với cuộc sống rất chậm. Giờ cần xem doanh nghiệp khó ở đâu, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ trưởng trực tiếp gỡ ở đó", ông nói.
Bộ trưởng Đam cũng dẫn lại câu chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận sau chuyến công tác nước ngoài để nhấn mạnh doanh nghiệp đang là mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Trong cuộc hội đàm cấp cao tại Pháp vừa qua, Thủ tướng thấy nước chủ nhà bố trí các chủ doanh nghiệp cùng tham gia, trực tiếp nêu thắc mắc, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc trong làm ăn, đầu tư tại Việt Nam.
"Qua việc này, Thủ tướng nhìn nhận các nước đều rất quan tâm, gỡ khó cho doanh nghiệp của mình", Bộ trưởng nói. Ông cho biết thêm, Việt Nam đang tích cực đàm phán, ký kết một loạt các hiệp định kinh tế đối ngoại để mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó đẩy mạnh tình hình sản xuất trong nước.
Những tháng còn lại của năm, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu cũng là những giải pháp Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo, xử lý, để phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2013.
Riêng nhiệm vụ đặt ra với lĩnh vực ngân hàng khá rõ. Chính phủ yêu cầu điều hành chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khoá, kiểm soát giá cả thị trường; đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đảm bảo đạt mục tiêu cả năm là 12%. Tính đến 20/9, tốc độ tăng dư nợ tín dụng đạt khoảng 6,05% so với cuối năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ (2,35%). Ngân hàng Nhà nước trước đó cũng tin tưởng cả năm nay có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng 12% Quốc hội đã đề ra.
9 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 96,6 tỷ USD, tăng 15,5%. Nhập siêu chỉ tương đương 0,1% kim ngạch nhập khẩu. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân ODA đạt khá. 9 tháng đầu năm vốn FDI đăng ký ước đạt 15 tỷ USD, tăng 36%, vốn thực hiện đạt 8,62%, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Giải ngân ODA ước đạt 3,13 tỷ USD, bang 69,5% kế hoạch năm. Lũy kế đến 15/9 tổng thu ngân sách ước đạt ước đạt 509,7 nghìn tỷ đồng, đạt 62,5%; tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 640,37 nghìn tỷ đồng, đạt 65,5% dự toán năm. Mặt bằng lãi suất huy động hiện giảm 2-3% và lãi suất cho vay giảm 3-5% so với đầu năm. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 9-11,5%, trung và dài hạn là 11,5-13%. Đến cuối tháng 8, lãi suất của gần 75% các khoản vay cũ về mức 13% (tỷ lệ của cuối 2012 là 33,4%); các khoản vay có lãi suất 13-15% còn khoảng 16,8% (cuối năm 2012 là 46,1%). |
Song Linh