Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố sáng nay cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 5,14% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, khu vực nông, lâm ngư nghiệp và thủy sản tăng 2,39%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,02%, dịch vụ tăng khoảng 6,25%.
Như vậy, mức tăng GDP đã có sự cải thiện so với cùng kỳ năm trước (4,73%) và có sự nhích lên qua từng quý (quý I: 4,89%, quý II: 5%). Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng tốc độ tăng trưởng năm nay khó có khả năng đạt mục tiêu 5,5% được Quốc hội phê duyệt. Thậm chí, theo Viên Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, chỉ tiêu này dự kiến chỉ ở mức 4,92%.
Ước 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 5,3% trong 8 tháng đầu năm. Từ những thống kê này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: "Có thể thấy sản xuất công nghiệp có chiều hướng cải thiện, khu vực dịch vụ tiếp tục sôi động và đóng góp cao nhất vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản lại đạt thấp nhất trong 10 năm trở lại đây".
Theo thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý III lại giảm chỉ đạt trên 19.300 đơn vị, với tổng vốn gần 87.800 tỷ đồng (giảm 17% về lượng và 23% về vốn so với quý trước). Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước có hơn 58.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký khoảng 281.360 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 22% về vốn.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm là gần 11.300, chủ yếu tập trung vào ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (4.060 doanh nghiệp), xây dựng (1.918 doanh nghiệp), công nghiệp chế biến chế tạo (1.628 doanh nghiệp).
Cũng trong sáng 24/9, chỉ số giá tiêu dùng tháng cũng được Tổng cục Thống kê công bố với mức tăng 1,06% so với tháng 8. Như vậy, từ đầu năm đến nay, CPI đã tăng tổng cộng 4,63%.
Nhóm hàng hóa tác động mạnh nhất đến CPI tháng này là giáo dục với mức tăng tới 9,38% (trong đó, dịch vụ giáo dục tăng 10,66%). Điều này cũng không khó hiểu bởi tháng 9 là thời điểm bước vào năm học mới, nhu cầu đối với các mặt hàng trong nhóm này tăng mạnh. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng có mức tăng 1,33% so với tháng 8.
Ngoài ra, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng có mức tăng khá, lần lượt là 0,91 và 0,65%. Còn lại, những nhóm khác, mức tăng nhẹ dưới 0,3%. Riêng nhóm giao thông và bưu chính viễn thông giảm. Chỉ số giá vàng tăng 1,97%, trong khi đó giá đô la Mỹ lại diễn biến ngược lại khi giảm nhẹ 0,26%.
Nhập siêu 9 tháng đầu năm 2013 theo ước tính của Bộ Kế hoạch & Đầu tư khoảng 124 triệu USD, bằng 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao là 7-8%. Riêng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu gần 4 tỷ USD (nếu tính cả dầu thô xuất siêu khoảng 9,4 tỷ USD).
Huyền Thư - Ngọc Tuyên