Đây là lần đầu tiên trên diễn đàn chính thức, một lãnh đạo cấp cao đưa ra nhận định kinh tế Việt Nam đã hạ cánh cứng, khái niệm phản ánh tình trạng nền kinh tế đột ngột chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp khi chính sách thắt chặt quá mức để giảm thâm hụt và kiểm soát nợ công.
Dưới đây là ý kiến của ông Vũ Viết Ngoạn tại Diễn đàn.
"Để đánh giá kinh tế 2013, cần lược lại nguyên nhân dẫn đến tình hình hiện nay. Giai đoạn 2005 đến 2010, kinh tế phát triển bùng nổ, GDP danh nghĩa tăng 1,7 lần, cung tiền (M2) tăng tới 2,3 lần, tổng vốn đầu tư xã hội trước đó chỉ ở mức trên 30% GDP đã lên đến 42% GDP.
Sản xuất tiêu dùng mất cân đối nghiêm trọng dẫn đến phải vay nước ngoài, thâm hụt cán cân vãng lai lớn và kéo dài, khiến mất cân đối vĩ mô, lạm phát tăng cao. Trước thực trạng kinh tế khi đó, năm 2012 Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết 11 và Bộ Chính trị có thêm kết luận 02.
Nghị quyết 11 ở thời điểm đó được cả trong và ngoài nước đánh giá rất cao, là nội dung chuyển hướng chính sách rất tốt và đúng hướng. Nghị quyết cũng ra chỉ tiêu và mục tiêu rất trúng, như đưa lạm phát từ mức gần 20% xuống một con số, mà Thủ tướng yêu cầu kiểm soát 9-10%. Tín dụng tăng dưới 20%. Tổng vốn đầu tư xã hội từ 42% GDP sẽ kéo xuống còn 35-36% GDP trong những năm tiếp theo.
Xác định chỉ tiêu và mục tiêu hoàn toàn trúng nhưng rất tiếc không thực hiện được, điều này thể hiện Việt Nam có vấn đề khi triển khai chính sách.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm đột ngột và mạnh xuống 6,8%, nếu như loại trừ yếu tố giá dịch vụ công thì chỉ tăng khoảng 4,5-5%. Điều này nói lên các yếu tố cơ bản tác động đến lạm phát giảm mạnh, đặc biệt là tổng cầu.
Tổng vốn đầu tư xã hội giảm từ hơn 41-42% GDP trước đó xuống còn 33% GDP và tiếp theo giảm xuống tới 30% GDP. Tăng trưởng tín dụng cũng giảm mạnh từ mức 31% xuống còn hơn 12%. Tín dụng giảm gần hai phần ba chứng tỏ nhiều doanh nghiệp không đủ vốn lưu động.
Thắt chặt chính sách quá mức, mặc dù đúng hướng, nhưng có phần hơi quá đáng dẫn đến hệ quả tăng trưởng kinh tế thấp và doanh nghiệp suy kiệt.
Nhận diện tình hình đó, Chính phủ đã ban hành tiếp Nghị quyết 02 dựa trên tinh thần điều chỉnh, mặc dù không nói thẳng có khiếm khuyết trong quá trình thực thi, khâu chính sách đúng, khâu thực hiện lại không đúng theo ý đồ.
Đến nay, doanh nghiệp vẫn suy kiệt, cân đối kinh tế vĩ mô tuy ổn định nhưng có nhiều yếu tố tạm thời, chưa bền vững. Kinh tế Việt Nam đã bị hạ cánh cứng, mà nhẽ ra có thể hạ cánh mềm và giảm sốc từ từ thì sẽ đỡ hơn và sẽ đỡ gây sốc cho doanh nghiệp.
Trước thực trạng trên, trong điều hành chính sách gần đây có nhiều ý kiến, mà gần như là mâu thuẫn nhau. Có quan điểm cho rằng phải đẩy mạnh sử dụng chính sách tài khóa, tức chi tiêu ngân sách, đầu tư mạnh hơn khi mà tín dụng khó khăn, tức chính sách tiền tệ hết dư địa. Quan điểm thứ hai lại nói rằng chính sách tài khóa hết dư địa, chỉ còn chính sách tiền tệ nên lãi suất đang cao phải giảm xuống, tín dụng đang tăng trưởng thấp cần phải đẩy mạnh lên.
Trong chừng mực nào đó, hai quan điểm trên rất đúng nhưng xét về tổng thể có sự sai lầm. Hai điều cần phải dựng được là tổng vốn đầu tư xã hội cần mức bao nhiêu, chính sách tài khóa và tiền tệ cân đối được ra sao chứ không nên đùn đẩy trách nhiệm giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.
Phối hợp với chính sách vẫn là vấn đề hết sức nóng. Không nên khiên cưỡng giữa mục tiêu quá ổn định để gây áp lực trước mắt và trong tương lai, bởi có những điều nhìn thấy trước mắt thì cần nhưng tương lai rất nguy hiểm. Hiện nay Nhà nước đang cố nén giá cả, tỷ giá, nhưng nếu nén quá thì dễ dẫn đến áp lực trong tương lai. Cần sự linh hoạt nhất định trong việc thực hiện mục tiêu ổn định hiện giờ.
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, cần duy trì tổng vốn đầu tư xã hội ở mức hợp lý và cần thiết để đảm bảo cho các doanh nghiệp có điều kiện tiêu thụ hàng hóa. Nếu quá tập trung kiểm soát lạm phát, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, mà coi nhẹ duy trì tăng trưởng, đầu tư xã hội hợp lý thì doanh nghiệp sẽ suy kiệt hơn nữa và lâu dài sẽ mất cân đối kinh tế vĩ mô.
Vậy tăng trưởng bao nhiêu là vừa. Trong điều kiện đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5%, tổng vốn đầu tư không thể dưới 30-31% GDP mà phải cao hơn. Muốn đạt được tổng vốn đầu tư xã hội như vậy thì vốn đầu tư phát triển bố trí từ từ ngân sách cần tăng 10% và tín dụng có thể tăng khoảng 14-15%. Vượt quá số đó thì không lên, nhưng dưới số đó thì cũng không được trong điều kiện hiện nay.
Trước mắt chứ không phải lâu dài, buộc lòng chấp nhận việc tăng phát hành trái phiếu, thậm chí có thể chấp nhận bội chi ngân sách cao lên một chút nhưng chỉ trong ngắn hạn. Cũng có thể tăng chi đầu tư phát triển mà không cần phải bội chi ngân sách hay phát hành trái phiếu bằng nhiều cách như giảm chi thường xuyên bằng giảm bộ máy hành chính, song không thể làm ngay được, cần phải cân đối.
Xử lý nợ xấu cũng là vấn đề cần thiết, nhưng thời điểm hiện tại nợ xấu không phải vấn đề gây cản trở tín dụng. Hiện ngân hàng không cho vay được chủ yếu do cầu tín dụng quá thấp, các doanh nghiệp không vay bởi họ vay để sản xuất chứ không để tiết kiệm, mà muốn sản xuất thì phải bán được hàng.
Nói thêm về ngân sách, cân đối ngân sách hiện đang khó khăn và sẽ tiếp diễn trong những năm tới. Việt Nam đang trong tình trạng làm đến đâu ăn đến đấy chứ chưa có sự tích lũy cho lâu dài, đủ mức cho phát triển, ảnh hưởng đến cả nợ công trong thời gian tới.
Trước đây, tính toán ngân sách và nợ công đều trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,5%, bây giờ không đạt được mức mức này, doanh nghiệp cũng không duy trì được doanh thu như trước thì thu ngân sách sẽ khó, trong khi chi vẫn chưa cải thiện. Ngoài cắt giảm đầu tư công, có thể thấy tỷ trọng các khoản chi thường xuyên đã tăng lên từ trên 50% lên 70%, còn chi đầu tư phát triển giảm còn 30%. Điều này có nghĩa tỷ trọng cân đối chi đã thay đổi rất lớn, ảnh hưởng đến khả năng phát triển.
Nội dung mang tính chất dài hạn là giải pháp tái cơ cấu. Nếu không tái cơ cấu, cải thiện cung sẽ không cải thiện được năng suất lao động. Tái cơ cấu với ba chuyên đề là đúng, nhưng đi vào giải quyết vấn đề cụ thể thì mới dừng ở phần ngọn, về dài hạn cần giải quyết những vấn đề căn cơ nhất. Không hành động sớm thì sẽ là quá muộn.
Đơn cử như tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, không nên chỉ dừng lại ở những việc mà xưa nay đã làm như phân bố lại quyền quyền sở hữu, phân cấp quyền giữa Thủ tướng và các bộ, ngành, rà soát vốn đầu tư ngoài ngành. Điều này là cần nhưng mà chưa đủ. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp Nhà nước hầu như vẫn còn nguyên, bản thân nhiều chuyện đơn giản như công ty tài chính thành lập trong tập đoàn, tổng công ty là vấn đề bất cập từ xưa đến nay nhưng thời gian tới chưa biết có duy trì cách thức này nữa hay không.
Tái đầu tư công vừa qua cũng mới chỉ làm được việc siết lại, khi nào có nguồn mới cho thực hiện. Còn nhiều câu chuyện như đầu tư công đi đâu, vào chỗ nào để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực thì lại chưa bàn tới. Tương tự, tái cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng cũng đã làm nhiều việc nhưng vẫn là những giải pháp mang tính trước mắt".
Nguyễn Đông - Phương Linh (ghi)