Tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, chiều 10/3, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong quý I hoặc đầu quý II, chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số sẽ được phê duyệt.
Theo ông, điều quan trọng nhất của chiến lược này là cung cấp dịch vụ số cho người dân, toàn bộ bộ máy công quyền chuyển sang hoạt động trên môi trường số.
"Sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại vận hành của Chính phủ nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia", ông Hùng nói.
Dự kiến các chỉ tiêu Chính phủ điện tử sẽ cơ bản hoàn thành năm 2021 với trọng tâm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%, còn Chính phủ số sẽ được hình thành vào năm 2025.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nói chiến lược Chính phủ số đặt ra 5 mục tiêu: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao; huy động sự tham gia rộng rãi của người dân và doanh nghiệp; sự vận hành tối ưu của cơ quan nhà nước dựa trên công nghệ số; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội như y tế, giáo dục, giao thông...
Nêu 5 kinh nghiệm trong triển khai Chính phủ điện tử trong thời gian qua, ông Hùng cho rằng cần đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá, bởi Việt Nam là nước đi sau, "vì vậy phải đi nhanh và đi trước thì mới có cơ hội thay đổi thứ hạng".
"Cần ngân sách ổn định cho xây dựng Chính phủ điện tử. Ở Việt Nam, địa phương, bộ, ngành có thể dùng 1% ngân sách hằng năm để phát triển Chính phủ điện tử, đây là mức trung bình của thế giới", ông nói thêm.
Theo thông tin tại phiên họp, đến nay trên 55% dịch vụ công của các cơ quan nhà nước đã được cung cấp trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, mức độ 4) - cho phép người dân nộp hồ sơ thủ tục hành chính và thanh toán qua mạng.
Trong năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng mạnh mẽ. Nếu như năm 2016, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước là 1,42% thì đến năm 2020, tỷ lệ này là 30,86%, vượt mục tiêu đề ra.