Báo cáo tại hội nghị Chính phủ với các địa phương chiều 28/12, ông Mai Tiến Dũng nói thời gian qua, nhiều hệ thống nền tảng của Chính phủ điện tử đã được đưa vào vận hành, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, trục liên thông văn bản quốc gia khai trương từ tháng 3/2019, đến nay đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95 cơ quan Trung ương và địa phương; 3,7 triệu văn bản điện tử, gửi nhận qua trục. Hệ thống tiếp nhận 2 chiều, văn bản ký số được ban hành có giá trị như văn bản ký "tươi" có dấu đỏ.
Theo ông Dũng, trục liên thông văn bản quốc gia giúp giảm được nhiều khâu, thủ tục, không phải in ấn, sao gửi giấy tờ, tiết kiệm hơn 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Bình thường gửi một văn bản từ Văn phòng Chính phủ xuống địa phương là 2 ngày, bây giờ chỉ cần ấn nút là sẽ nhận được ngay và trình luôn, không mất chi phí.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vận hành từ giữa năm 2019, đến nay đã phục vụ 24 phiên họp Chính phủ và hơn 620 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ; giúp thay thế hơn 225.000 hồ sơ, tài liệu giấy; chi phí tiết kiệm được 169 tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông Dũng, e-Cabinet hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ, với đầy đủ chức năng như: Cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; quản lý phiên họp (gồm thành phần, nội dung chương trình); phát biểu, thảo luận, tham gia ý kiến, chỉnh sửa dự thảo văn bản, biểu quyết điện tử (có xác thực chữ ký số) của các thành viên Chính phủ...
Thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên họp có thể tham gia ý kiến và biểu quyết điện tử thông qua thiết bị di động.
Cổng dịch vụ công quốc gia vận hành từ cuối năm 2019, gồm 6 thành phần chính: Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; xác thực, đăng nhập một lần; thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.
Đến nay, Cổng đã có 2.650 dịch vụ công được tích hợp; 99 triệu lượt truy cập; hơn 412.000 tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến; 46.000 giao dịch thanh toán điện tử; tiếp nhận, hỗ trợ 43.800 nghìn cuộc gọi, 9.600 phản ánh, kiến nghị. Chi phí xã hội tiết kiệm được từ Cổng khoảng hơn 6.700 tỷ đồng mỗi năm.
Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng khai trương tháng 8/2020, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước; tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ Chính phủ, Thủ tướng, cơ quan hành chính các cấp; hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định trên cơ sở dữ liệu trực quan; cho phép theo dõi, giám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương.
Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành phục vụ Thủ tướng, các Phó thủ tướng, thành viên Chính phủ làm việc với các bộ, ngành, địa phương; chỉ đạo, điều hành qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến và tương tác tới thực địa.
Đến nay, hệ thống đã kết nối với 14 bộ, cơ quan và 37 địa phương; 63 địa phương đã cung cấp dữ liệu trực tuyến 8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Hệ thống này giúp tiết kiệm 460 tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông Dũng, trục liên thông văn bản quốc gia đạt giải vàng của giải thưởng kinh doanh quốc tế năm 2019 tổ chức tại Cộng hòa Áo; Hệ thống e-Cabinet được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê năm 2020 cho giải pháp phần mềm xuất sắc. Năm 2020, Cổng dịch vụ công quốc gia được bình chọn là đột phá của chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2020, Việt Nam được Liên Hợp Quốc xếp hạng thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chính phủ điện tử; tăng 2 bậc so với năm 2018. Việt Nam được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao; cao hơn chỉ số trung bình của thế giới.