Đây là một trong những mục tiêu của kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử do Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa phê duyệt.
Các mục tiêu chính đến 2020 là đưa thông tin và dịch vụ của Chính phủ tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi; hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Bộ cũng đặt mục tiêu 20% người dân và doanh nghiệp tham gia Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến của từng địa phương, bộ, ngành đạt 20% trở lên; tích hợp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa cấp bộ, tỉnh; 50% cổng dịch vụ công cấp bộ, tỉnh cung cấp giao diện cho các thiết bị di động...
Bộ cũng phân công cho các đơn vị thực hiện 43 nhiệm vụ về phát triển Chính phủ điện tử đến hết năm 2020, đồng thời đánh giá, báo cáo định kỳ hàng quý với Chính phủ về tình hình thực hiện.
Trước đó, ngày 23/6, tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói xây dựng Chính phủ điện tử là vấn đề mới, khó nhưng "chúng ta không bàn lùi, không vì những khó khăn về tài chính, về kết nối, chia sẻ... mà không triển khai mạnh mẽ".
"Cơ quan, địa phương nào, cá nhân nào không làm, bàn lùi, làm chậm phải được báo cáo lên Thủ tướng để kiểm điểm, nhắc nhở, đôn đốc và xử lý thì công cuộc này mới thành công", Thủ tướng nói.