Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết như trên khi trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn, chiều 9/11.
Theo Phó thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung nghiên cứu, kiện toàn bộ máy làm công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; khẩn trương xây dựng Trung tâm Điều hành Quốc gia về lĩnh vực này.
Cùng với các máy bay trực thăng chuyên dùng, Chính phủ sẽ sớm bổ sung các tàu cứu hộ, cứu nạn, nhất là các tàu hoạt động xa bờ và các trang bị, phương tiện chuyên dùng hiện đại khác; bổ sung trang thiết bị theo dõi, giám sát, phân tích, cảnh báo thiên tai, bao gồm hệ thống cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất, theo dõi vận hành hồ chứa...
"Yêu cầu đặt ra là phải có lực lượng phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, trang thiết bị hiện đại để thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả trong mọi tình huống", ông Dũng nói.
Trước thực trạng bão lũ miền Trung diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã gây thiệt hại rất lớn, đại biểu Nguyễn Văn Chiến chất vấn: "Ở nhiều nước có Bộ Tình trạng khẩn cấp, vậy chúng ta có giao cho một bộ tương tự để đối phó với tình trạng thiên tai, dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp hay không?".
Trả lời, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói ở Việt Nam hiện có hai cơ quan là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trước đây do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm Trưởng ban, nay Phó thủ tướng làm Trưởng ban.
Cơ quan thứ hai là Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, do Phó Phủ tướng làm trưởng ban và Bộ Quốc phòng là đơn vị thường trực.
"Đây là hai cơ quan rất quan trọng trong phối hợp liên ngành, vừa chỉ đạo trực tiếp, đồng thời thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các ngành, các địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai", ông Dũng nói.
Ở địa phương có Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, do chủ tịch UBND làm trưởng ban.
Dẫn thống kê của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói hiện trên thế giới có nhiều mô hình tổ chức lực lượng phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.
Trong đó, khoảng 10 nước thành lập Bộ tình trạng khẩn cấp: như Nga, Trung Quốc, Ucraina, Belarus, Azerbijan, Kazakhstan, Uzbekistan ... Bộ này ngoài việc ứng phó với thiên tai, thảm hoạ, còn có nhiệm vụ xử lý khủng hoảng, đảm bảo an ninh, phòng chống dịch bệnh trên quy mô lớn.
Một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật Bản, Israel, Ấn Độ, Hà Lan, Phillipines, Malaysia, Srilanka, Đài Loan... thành lập cơ quan Phòng chống thiên tai quốc gia. Trong đó, một số nước mô hình tương tự như Việt Nam.
Theo ông Dũng, Chính phủ sẽ tiếp tục tổng kết thực tiễn trong quá trình chỉ đạo phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và các kinh nghiệm quốc tế để đề xuất mô hình phù hợp; cũng như những giải pháp huy động sức dân trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.
Hoàng Thùy - Viết Tuân