Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch ngày 15/7, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, ở các quốc gia phát triển, tính kế hoạch hoá trong mọi lĩnh vực đều rất cao. Ông lấy ví dụ, việc phát triển taxi phải có lộ trình và đạt con số nào đó trong một thời gian nhất định hay một con phố chỉ được có một số lượng cửa hàng nhất định. Nếu một ai đó muốn gia nhập thị trường khi quy hoạch đã ổn định thì phải mua lại từ cửa hàng, đơn vị khác.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc phát triển nhiều lĩnh vực không có kế hoạch, lộ trình. Theo Phó thủ tướng, việc này dễ dẫn đến tình trạng thị trường phát triển theo phong trào, khủng hoảng thừa.
Luật Quy hoạch ra đời để giải quyết những bài toán nói trên. Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý trong quá trình triển khai, các bộ, địa phương không nên tiết kiệm chi phí để xây dựng những quy hoạch chất lượng.
"Đừng tiết kiệm tiền cho quy hoạch, cũng đừng sợ tốn tiền mà không làm, bởi chi phí này rất nhỏ so với đầu tư phát triển. Vấn đề chính là phải có nhân lực, đội ngũ tư vấn tốt", Phó thủ tướng nói và yêu cầu tránh tình trạng triển khai quy hoạch còn lúng túng, dẫn đến cản trở sự phát triển kinh tế xã hội.
Ông Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các địa phương chủ động vốn cho công tác lập quy hoạch, lấy vốn dự phòng 10% từ ngân sách. Đồng thời để đảm bảo tiến độ có thể vừa làm vừa hoàn thiện, không nên cầu toàn quá.
Liên quan đến vấn đề vốn cho xây dựng các quy hoạch, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất ưu tiên bố trí vốn từ nguồn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Bộ, ngành và địa phương để lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh.
Đối với các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cần được tiếp tục sử dụng từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần sớm ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn về các thủ tục thanh quyết toán vốn lập quy hoạch.
Nguyễn Hà