Thông tin được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nói tại cuộc họp thường kỳ về kinh tế - xã hội của Chính phủ, sáng 30/10, khi đề cập đến bão lũ và sạt lở đất liên tục xuất hiện ở miền Trung trong tháng 10. Trong bão Molave, ông Dũng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ vào miền Trung chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống bão, có mặt ở hiện trường vụ lở đất tại Quảng Nam.
Về nguyên nhân sạt lở đất, theo ông Dũng, do mưa lâu ngày, đất chứa nhiều nước, hay còn gọi là "no nước làm tính kết dính rất kém". Khi có thêm tác động (bão gây mưa cục bộ), đất sạt lở rất mạnh. Ông nói khi đến khu vực sạt lở đất ở Quảng Nam thấy nơi này rất nhiều rừng chứ không phải bị chặt hết khiến đất bị sạt lở.
Nói thêm về độ bao phủ rừng ở nước ta, Phó thủ tướng nói rằng rừng Việt Nam hiện đứng 50/193 quốc gia. Rừng trong nước phủ kín trên 40% diện tích đất nước, trong khi đó năm 1995 chỉ có 28%. Điều này chứng minh công tác giữ và trồng rừng thời gian qua rất tốt.
"Những nơi phá rừng nhiều chủ yếu ở Tây Nguyên vì có đất tốt, bà con di cư vào nhiều và chúng ta chuyển đổi mục đích để phát triển kinh tế, còn những vùng Trung Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc ngày nay rừng được trồng thêm rất nhiều", ông Dũng nói và cho rằng việc "đổ lỗi chặt rừng và làm thủy điện khiến sạt lở đất là không chính xác".
Ông dẫn chứng như vụ thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên – Huế), việc sạt lở đất diễn ra ở phía không xây công trình thủy điện. Chưa kể thủy điện này đang xây dựng chứ không phải đã hoàn thành. Ngoài ra còn rất nhiều khu vực khác sạt lở đất không liên quan việc xây thủy điện.
Phó thủ tướng cho rằng lũ tăng cao như thời gian qua do mưa lớn kéo dài, "nắng lắm mưa nhiều", là quy luật của trời đất. Vừa qua có một số thông tin lũ lên cao "do thủy điện đồng loạt xả lũ là không khách quan, chưa chính xác".
"Mưa nhiều khiến nước lên, không có thủy điện nước càng lên nhanh. Thủy điện cũng phải xả nước tràn để đảm bảo độ an toàn", Phó thủ tướng nói và đề nghị các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, đặc biệt Bộ Tài nguyên - Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng cần có ý kiến khẳng định điều này.
Về các công việc sắp tới, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương ưu tiên tìm kiếm người mất tích. Hiện công tác này được tập trung quyết liệt ở Quảng Nam, đặc biệt ở huyện Nam Trà My. Thông tin mới nhất, tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, còn 16 người mất tích.
Việc cần làm tiếp theo, chính quyền và các tổ chức cần hỗ trợ người dân gặp khó khăn, trước hết sửa chữa hàng chục nghìn ngôi nhà hư hỏng, nhà cấp 4 bay mái; hỗ trợ lương thực thực phẩm, thuốc men; khắc phục hậu quả sau bão, sửa chữa hệ thống điện, thông tin liên lạc, giao thông, trường học, bệnh viện, công sở, các công trình dịch vụ...
Một công việc cần được lưu ý là các địa phương tập trung ứng phó với bão lũ, cả cơn bão sắp tới, lũ đang lên ở miền Trung. Địa phương rà soát tất cả khu vực nguy hiểm để sơ tán dân.
Cuối cùng cần tập trung phục hồi sản xuất, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai) tiếp tục tổng hợp yêu cầu của các địa phương để Thủ tướng có quyết sách phù hợp hỗ trợ khôi phục các hạ tầng thiết yếu nhất, phục hồi sản xuất...
Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp Bộ Xây dựng triển khai chương trình đầu tư công trung hạn xây dựng nhà chống bão và lũ ở miền Trung.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính hỗ trợ mỗi hộ dân có nhà bị sụp đổ 40 triệu, hư hỏng nặng 10 triệu. Đây được coi là yêu cầu "nước sôi lửa bỏng" vì các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi... chìm trong nước lũ, nhà cửa hư hỏng nặng nề, đi lại vô cùng khó khăn.
Hữu Công