Ngày 22/12, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo nêu trên của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, sau khi xem xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải.
Trước đó, cuối tháng 11/2021, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ, cho biết nhiều bộ, ngành không ủng hộ nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tuổi thọ 40 năm của Nhật Bản. Đại diện các bộ cho rằng đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về nhập khẩu, khai thác toa xe cũ là không đúng với Nghị định 65 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt.
Thông tin từ phía Nhật Bản cho thấy họ loại bỏ toa xe tự hành DMU cũ vì lý do bảo vệ môi trường do thời gian sử dụng, vận hành các toa xe này từ cuối thập niên 70, đầu thập niên 80. Vì vậy, các toa xe cũ sẽ ảnh hưởng đến môi trường nếu vận hành tại Việt Nam.
Đánh giá chung, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng các toa xe cũ không được phép khai thác tại Việt Nam do niên hạn sử dụng quá 40 năm. VNR nêu một số lợi ích nhất định, tuy nhiên quy định của pháp luật đã rõ. Do vậy, Bộ không ủng hộ nhập khẩu và khai thác những toa xe này tại Việt Nam.
Trước đó vào tháng 10, VNR đã kiến nghị nhập khẩu 37 toa xe tự hành diesel DMU, loại Kiha 40 và Kiha 48. Toa xe bố trí ghế mềm loại 68-82 chỗ ngồi và 28-34 chỗ đứng, chạy trên tuyến đường sắt khổ 1.067 mm. Các toa xe này có thể vận hành độc lập hoặc dễ dàng ghép nối thành đoàn.
Sau khi nhập khẩu, các toa tàu có thể được ép trục hoặc thay trục giữa để phù hợp khổ đường 1.000 mm ở Việt Nam. Việc hoán cải dự kiến trong 6 tháng. Quá trình vận hành sau đó, chi phí bảo dưỡng tương tự như các toa tàu đang khai thác trong nước.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR, cho biết dù không mất tiền mua, dự án có tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng, trong đó 40 tỷ đồng phí vận chuyển, 80 tỷ đồng để hoán cải và các chi phí khác như đăng kiểm, tư vấn, dự phòng. Tổng vốn do doanh nghiệp tự huy động.