Nội dung này được Chính phủ nêu tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3. Phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được lưu ý phù hợp với khung giá bán lẻ điện bình quân mới, đánh giá kỹ tác động để trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Việc điều chỉnh này sẽ là cơ sở để tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất. Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận số lỗ kỷ lục gần 36.300 tỷ đồng năm 2022 từ sản xuất điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm còn 26.236 tỷ đồng.
Trước đó, cuối tháng 3, Bộ Công Thương công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm ngoái tăng 9,27% so với 2021 (mức tăng này, theo Quyết định 24, việc điều chỉnh giá bán lẻ bình quân thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương). Việc giá bán lẻ điện bình quân duy trì ở mức 1.864,44 đồng một kWh từ tháng 3/2019 đến nay, EVN lỗ gần 168 đồng mỗi kWh điện bán ra.
Hệ luỵ việc giá đầu vào sản xuất tăng vọt trong khi giá bán - đầu ra chậm điều chỉnh - từng được EVN báo cáo Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, tập đoàn này cho biết sẽ gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền trả cho các đơn vị phát điện, huy động vốn, cân đối vốn. Việc này sẽ ảnh hưởng tới cung ứng đủ điện, đầu tư, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện.
Theo tính toán của Tập đoàn điện lực Việt Nam, trường hợp giá bán lẻ điện bình quân không thay đổi trong năm nay, tới tháng 6, công ty mẹ - EVN sẽ thiếu hơn 4.400 tỷ đồng và đến tháng 12 âm gần 27.800 tỷ đồng.
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, áp lực tăng giá điện là rất lớn và Bộ Công Thương đang trình phương án tăng giá bán lẻ.
Ngoài giá điện, Chính phủ giao Bộ này đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước trong mọi tình huống và sớm trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng yêu cầu cơ quan các cấp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất. Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền chính sách về miễn, giãn thuế, phí, tiền thuê đất và tiền sử dụng đất năm 2023, gồm đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng, trước ngày 15/4.
Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tỷ giá phù hợp và đôn đốc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.
Cơ quan quản lý tiền tệ được giục sớm xây dựng phương án cơ cấu lại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo kết luận của Bộ Chính trị;
Với thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng được giao địa phương, các bộ ngành đẩy nhanh tháo gỡ các dự án bất động sản cụ thể.
Bộ Xây dựng cùng Ngân hàng Nhà nước sớm đưa ra danh sách, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng gói vay tín dụng 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo minh bạch, công khai.