Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi kết luận cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, ngày 3/4.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, kinh tế xã hội quý I có xu hướng tích cực, kết quả khả quan trên các lĩnh vực. GDP quý I tăng 3,32% trong điều kiện nhiều khó khăn. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ. Số dự án FDI đăng ký mới đạt 3,4 tỷ USD. Quý I có 57.000 doanh nghiệp thành lập mới, hoạt động trở lại.
Thủ tướng cho rằng, các kết quả đạt được khả quan nhưng ổn định vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng chưa như kỳ vọng và mục tiêu.
Lạm phát cơ bản quý I tăng 5,01% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động tình hình trong nước. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, một số trung tâm công nghiệp lớn tăng trưởng sụt giảm. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn, nhất là tiếp cận vốn. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cần các biện pháp xử lý tích cực hơn.
Dự báo tình hình tới đây vẫn khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp ngành không để lãng phí thời gian, nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, tạo sinh kế cho người dân.
Ông lưu ý, trong mọi trường hợp phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, củng cố an ninh quốc phòng. "Cái gì thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương thì chủ động làm, không trông chờ ỷ lại và đề xuất cấp có thẩm quyền cơ cấu lại nợ, khoanh - giãn nợ, giảm chi phí doanh nghiệp", ông nói.
Từ thực tế địa phương, Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi cho hay, các khó khăn doanh nghiệp gặp phải là bị thu hẹp thị trường (hơn 41% doanh nghiệp phản ánh); giá nguyên liệu đầu vào tăng, thiếu vốn và thiếu nhân lực.
Ông Phan Văn Mãi nói một trong những ưu tiên của thành phố là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về các vấn đề này, và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng - cơ quan có số vốn đầu tư công lớn nhất - cho biết quý I đã giải ngân khoảng 17%. Bình quân mỗi tháng bộ này giải ngân 8.000 tỷ đồng. Nếu việc này được thúc đẩy mạnh trong quý II, theo ông, sẽ tạo dư địa tăng trưởng, bên cạnh việc đẩy nhanh tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các dự án dở dang.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành cân bằng, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá, tăng trưởng - lạm phát; xử lý các vấn đề liên quan ngân hàng yếu kém và rà soát tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở, nhất là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính sớm trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2022-2023 và đề xuất giải pháp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023, vốn cho chương trình phục hồi.
Bộ Xây dựng giải quyết những khó khăn của thị trường bất động sản. "Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải đi từng địa phương, rà soát từng dự án, doanh nghiệp", Thủ tướng nêu.
Bộ Công Thương được giao hoàn thành Quy hoạch điện VIII trong tháng 4; mở rộng thị trường, tiếp tục đàm phán các FTA. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo đảm nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế.