Một đại diện tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (DWB) vừa qua đã nhận định diễn biến dịch Covid-19 tại Myanmar là "lây nhiễm cộng đồng không kiểm soát". Theo hai chuyên gia Adam Simpson thuộc Đại học Nam Australia và Nicholas Farrelly từ Đại học Tasmania, làn sóng ca nhiễm nCoV trầm trọng đến vậy là do những sai sót quản lý của chính quyền trung ương tại Naypyidaw và cuộc khủng hoảng kéo dài trong khu vực y tế.
Theo thống kê chính thức, Myanmar mỗi ngày ghi nhận khoảng 6.000 ca nhiễm và hơn 300 ca tử vong. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng con số này thấp hơn thực tế. Làn sóng lây nhiễm bùng phát giữa giai đoạn Myanmar mới tiêm chủng khoảng 2,8% dân số hơn 54 triệu người, làm dấy lên lo ngại cầu nối Đông Nam Á và Nam Á trở thành "quốc gia siêu lây nhiễm" nCoV.
"Viễn cảnh này vô cùng nguy hiểm trên mọi phương diện. Khu vực có nguy cơ chịu thêm nhiều thảm cảnh nếu Myanmar trở thành quốc gia siêu lây nhiễm", Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền tại Myanmar Tom Andrews tuần qua cảnh báo.
Adam Simpson và Nicholas Farrelly nhận định Myanmar đang hội đủ những yếu tố dẫn đến kịch bản xấu hơn cho cuộc khủng hoảng y tế hiện tại. Về nhân lực, họ thiếu nhân viên y tế chống dịch do phong trào bất tuân dân sự phản đối cuộc chính biến tháng 2. Về nguồn lực, Myanmar thiết bị y tế và oxy điều trị vì nguồn cung hạn chế và giá thành ngày một đắt đỏ.
Tình hình chính trị rối ren tại Myanmar khiến nỗ lực chống dịch thêm khó khăn. Ít nhất 157 y bác sĩ nước này, gồm cả cựu lãnh đạo chương trình tiêm chủng Covid-19 toàn quốc, đã bị bắt và cáo buộc phản quốc.
Diễn biến dịch tại Myanmar ngày một khó lường vì tốc độ xét nghiệm quá chậm. Khoảng 15.000 xét nghiệm được thực hiện mỗi ngày trên phạm vi cả nước. Tỷ lệ dương tính ở mức cao báo động với 37%, tức cứ 1.000 người thì phát hiện hơn 370 người dương tính. Một số nhóm hỗ trợ hỏa táng và mai táng ở Yangon ước tính số ca tử vong nghi nhiễm nCoV bị bỏ sót mỗi ngày trong thành phố có lúc lên đến hàng nghìn.
Covid-19 cũng khiến bất bình đẳng xã hội ở Myanmar thêm nghiêm trọng. Người nghèo khó duy trì giãn cách và ít cơ hội tiếp cận xét nghiệm, điều trị hiệu quả. Ngân hàng Thế giới (WB) tuần qua dự báo nền kinh tế Myanmar thu hẹp 18% trong năm 2021 vì chính biến và đại dịch, dân số trong diện nghèo vào đầu năm 2022 có nguy cơ tăng gấp đôi so với năm 2019.
Simpson và Farrelly cho rằng những vùng tập trung dân tộc thiểu số ở Myanmar thậm chí dễ bị tổn thương hơn bởi đại dịch. Kể từ cuộc chính biến, nhiều vụ xung đột đã nổ ra giữa các nhóm phiến quân và dân quân thiểu số với quân đội. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa từ tháng 2, chiếm gần 1/3 tổng số hơn 680.000 người Myanmar đang sơ tán vì bất ổn. Cơ hội tiếp cận điều trị y tế đối với nhóm này là vô cùng thấp.
Theo các chuyên gia, cộng đồng quốc tế cần giải quyết bài toán khơi thông dòng chảy viện trợ đến tay người dân Myanmar. Rối ren chính trị lẫn ngoại giao khiến triển khai viện trợ nhân đạo đứt gãy.
Sau khi quân đội nước này lật đổ chính phủ dân cử và nắm quyền kiểm soát vào tháng 2, viện trợ từ phương Tây chuyển hướng sang các nhóm phi chính phủ. Singapore đã cam kết gửi 200 máy tạo oxy y tế sang Myanmar nhưng quá trình chuyển giao chưa hoàn tất. Số phận của gói viện trợ Covid-19 trị giá 350 triệu USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho Myanmar, chỉ vài ngày trước khi chính biến nổ ra, đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Từ tháng 5, quốc gia Đông Nam Á trong gần hai tháng không nhận thêm được bất kỳ lô vaccine Covid-19 nào. Mãi đến tuần cuối tháng 7, Trung Quốc mới gửi lô viện trợ vaccine theo cam kết 6 triệu liều đến nước láng giềng.
Dù vậy, chính phủ quân sự Myanmar lại chưa điều phối tiêm chủng kịp thời đến những nơi bùng phát dịch nghiêm trọng nhất. Theo thỏa thuận viện trợ, lượng vaccine Trung Quốc phải được ưu tiên triển khai ở vùng biên giới hai nước, ngăn dịch bệnh từ Myanmar tràn sang các tỉnh phía nam nước này.
Hệ thống y tế Myanmar vốn mong manh nhưng vẫn đủ sức chống chọi đại dịch trong năm 2020. Chính biến ở Naypyidaw đã thay đổi cục diện cuộc chiến với nCoV.
Chính phủ dân cử bị tước quyền lãnh đạo chỉ 5 ngày sau khi Bộ Y tế Myanmar khởi động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc. Kế hoạch này bị đóng băng trong nhiều tháng vì bất ổn chính trị. Khin Zaw Win, giám đốc Viện Tampadipa ở Yangon, lo ngại những liều vaccine từ Trung Quốc và Nga gửi đến nước ông đã quá muộn. Chuyên gia Myanamar cũng hoài nghi liệu quân đội đủ sức thuyết phục người dân tiêm chủng.
"Chúng tôi không chuẩn bị đủ cho đại dịch. Yếu tố ảnh hưởng lớn hơn hết quân đội đảo chính vào ngay thời điểm này", ông chia sẻ.
Tiến sĩ Phyu Phyu Zaw, chuyên gia y tế cộng đồng tại Đại học Hong Kong, cũng lưu ý "mục tiêu tối thượng" của chiến dịch chống Covid-19 ở mọi nước là giãn cách xã hội và giữ cho hệ thống y tế quốc gia không quá tải. Trong khi đó, với cuộc đảo chính tại Myanmar, hệ thống y tế công đã bị sụp đổ ngay trước thềm làn sóng dịch thứ ba.
"Một số quan điểm lạc quan cho rằng toàn thể người dân Myanmar sẽ nhận thức đây là thời khắc cần hòa giải và đoàn kết chống lại kẻ thù chung Covid-19. Tuy nhiên, thật khó để tưởng tượng điều đó xảy ra với tình hình hiện tại. Những quyết định ứng phó đại dịch sai lầm của quân đội đã dẫn đến quá nhiều phẫn nộ trong dân chúng", Simpson và Farrelly cảnh báo.
Trung Nhân (Theo BBC/Conversation)