Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có số người viêm gan siêu vi (A, B, C) ở mức cao trên thế giới, chiếm khoảng 10-20% dân số. Chủng A và B từ lâu đã có văcxin phòng ngừa, riêng siêu vi viêm gan C vẫn chưa nghiên cứu ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm gấp 10 lần HIV, trong mỗi ml máu chứa hơn một triệu hạt virus. Ngoài ra, chúng còn lây nhiễm qua các chất dịch cơ thể khác và từ mẹ sang con.
Ước tính có khoảng 2 triệu trường hợp nhiễm virus viêm gan C. Khoảng 30% người viêm gan C mãn tính có nguy cơ tiến triển thành xơ hoặc ung thư gan - căn bệnh gây tử vong nhiều thứ ba ở người. Cứ 100 người nhiễm virus thì có 80 trường hợp chuyển sang mạn tính, 70 người phát triển thành viêm gan, 5-20 người xơ gan trong 20-30 năm, 1-5 người tử vong do ung thư.
Ngoài nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, hầu hết người nhiễm loại virus này không có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu. Giới chuyên môn gọi chúng là "sát thủ thầm lặng", bởi vài chục năm sau bệnh mới bùng phát biến chứng thành xơ, ung thư gan. Người bệnh có thể không hay biết về những tổn thương đang diễn ra âm thầm trong cơ thể, cho đến khi quá muộn.
Theo Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt - Phó chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam, đa số người dân bỏ qua việc xét nghiệm tầm soát viêm gan siêu vi C. Bệnh vô cùng nguy hiểm, song có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và tuân thủ liệu trình điều trị.
Phác đồ điều trị khá phức tạp với loại thuốc chích lẫn uống kéo dài 6-18 tháng, gây nhiều tác dụng phụ như thiếu máu, giảm bạch cầu, hạ tiểu cầu, trầm cảm, rối loạn chức năng tuyến giáp và mức chi phí cao. Tỷ lệ đáp ứng bền vững với virus viêm gan C cũng chỉ đạt 50-70%, nên nhiều bệnh nhân nản chí bỏ điều trị.
Loại thuốc mới được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng vào tháng 6/2016 có thời gian điều trị ngắn, ít tác dụng phụ, tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn cao hơn. Chi phí giảm bớt, song vẫn quá tầm của nhiều gia đình. Để giúp người bệnh tiếp cận với phác đồ điều trị mới, ngày 26/4 vừa qua, Bộ Y tế đã đạt được thỏa thuận với một công ty dược của Mỹ để mua thuốc biệt dược điều trị viêm gan C với giá chỉ bằng 1/10 nội địa Mỹ.
Viêm gan C phòng lây nhiễm thế nào, phác đồ điều trị ra sao... sẽ được Giáo sư Phạm Hoàng Phiệt - Phó chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam chia sẻ rõ hơn trên VnExpress.
Góp mặt trong buổi tư vấn trực tuyến còn có Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Thủy - Trưởng khoa gan, Trung tâm Y khoa Medic; bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Lưu Phương - Phó trưởng khoa gan mật và tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP HCM.
An San