Cựu thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, lãnh đạo nhóm cố vấn quân sự "Sói Sa hoàng" của Nga, ngày 15/1 thông báo robot chiến đấu Marker sẽ được "thử lửa" tại chiến trường Donbass, nơi đang chứng kiến những cuộc giao tranh dữ dội giữa lực lượng Nga và quân đội Ukraine.
"Robot Marker sẽ tự động thực hiện nhiệm vụ tác chiến, xác định vị mục tiêu từ khoảng cách gần 15 km", ông Rogozin cho biết. Ông cho hay Marker còn có thể "xác định mục tiêu thù địch và khai hỏa bằng vũ khí riêng".
Tuyên bố này của ông Rogozin làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chiến trường Ukraine có thể sớm trở thành nơi thử nghiệm robot chiến đấu, mở ra kỷ nguyên những cỗ máy giết người tự động thống trị chiến trường.
Chưa quốc gia nào trên thế giới sử dụng robot chiến đấu hoàn toàn tự động trong giao tranh, nhưng Ukraine và Nga đều tuyên bố sở hữu máy bay không người lái (UAV) được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tự động nhận diện mục tiêu, dù chưa tự khai hỏa vũ khí.
Các chuyên gia quân sự cho rằng chiến sự Nga - Ukraine càng kéo dài, khả năng các phương tiện không người lái được sử dụng để xác định, lựa chọn và tấn công mục tiêu mà không cần con người can thiệp càng cao. Điều này có thể đánh dấu cuộc cách mạng lớn trong công nghệ quân sự, tương tự thời điểm súng máy ra đời và thay đổi chiến thuật tác chiến vào giữa thế kỷ 19.
Các nhà hoạt động trong nhiều năm qua đã nỗ lực kêu gọi các nước đạt thỏa thuận về cấm UAV sát thủ chuyên săn lùng mục tiêu con người, nhưng giờ họ có thể phải chấp nhận thực tế và chuyển sang hạn chế việc dùng loại khí tài này. Các chuyên gia cho rằng chỉ còn vấn đề thời gian trước khi Nga, Ukraine hoặc cả hai nước triển khai những "cỗ máy sát thủ" tham chiến trên thực tế.
Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov nhận định UAV sát thủ vận hành hoàn toàn tự động "là bước đi hợp lý và tất yếu tiếp theo" trong tiến trình phát triển vũ khí, đồng thời thừa nhận Ukraine thực hiện rất nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển theo hướng này. "Tôi nghĩ điều đó có tiềm năng rất lớn trong 6 tháng tới", ông nói.
Trung tá Ukraine Yaroslav Honchar, người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Aerorozvidka chuyên phát triển UAV chiến đấu, cho biết binh sĩ không thể xử lý lượng thông tin khổng lồ và đưa ra quyết định nhanh chóng như máy móc. Các chỉ huy quân đội Ukraine đang cấm sử dụng vũ khí sát thương vận hành tự động hoàn toàn, song ông Honchar cho rằng điều này có thể thay đổi tùy theo diễn biến chiến trường.
"Chúng tôi chưa vượt qua lằn ranh này. Tôi nói là 'chưa' bởi chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai", Honchar cho hay. Tổ chức Aerorozvidka của ông đang tiên phong trong lĩnh vực cải tạo UAV, biến những chiếc UAV thương mại rẻ tiền thành vũ khí sát thương.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng Nga có thể nhập vũ khí vận hành tự động trang bị AI từ Iran hoặc những nơi khác. Nga đã tăng cường sử dụng UAV Geran-2, được nhận định có ngoại hình và kích thước tương tự mẫu Shahed-136 của Iran, để tập kích cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Tuy nhiên, Geran-2 không phải vũ khí đặc biệt thông minh. Iran đang phát triển nhiều mẫu UAV khác được trang bị AI, có khả năng vận hành và xử lý mục tiêu phức tạp hơn.
Các nhà sản xuất phương Tây cho biết Ukraine hiện nay có khả năng biến các UAV bán tự động thành loại hoạt động độc lập hoàn toàn mà không cần tín hiệu điều khiển, nhằm tăng khả năng sống sót trong môi trường tác chiến điện tử.
Quân đội Ukraine đang sử dụng mẫu UAV tự sát Switchblade 600 của Mỹ và Warmate của Ba Lan, cả hai đều yêu cầu người điều khiển chọn mục tiêu qua đường link video trực tiếp. Chúng có thể lượn vòng trên không trong nhiều phút để lựa chọn mục tiêu trước khi bổ nhào.
"Đã có nhiều công nghệ để UAV Switchblade vận hành hoàn toàn tự động", Wahid Nawabi, CEO của hãng AeroViroment sản xuất mẫu Switchblade, cho biết. Tuy nhiên, ông Nawabi cho rằng cần ba năm nữa để thay đổi chính sách và loại yếu tố con người khỏi việc ra quyết định trong quá trình này.
UAV có thể nhận ra mục tiêu như thiết giáp khi đối chiếu với hình ảnh đã được lưu trong bộ nhớ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn bất đồng trước việc liệu công nghệ có đủ tin cậy để tránh lỗi kỹ thuật khiến máy móc cướp đi sinh mạng những người vô tội hay không.
Nếu Nga và Ukraine sử dụng robot sát thủ vận hành hoàn toàn bằng AI, đây có thể không phải lần đầu loại vũ khí này tham chiến. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2021 cho biết robot sát thủ đã được dùng trong xung đột ở Libya năm 2020, khi UAV Kargu-2 của quân đội Chính phủ Quốc gia Lybia (GNA) tự động tung đòn tấn công vào mục tiêu con người trong trận giao tranh hồi tháng 3/2020 mà không có lệnh của nhân viên điều khiển.
Một phát ngôn viên của STM, công ty Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất UAV Kargu-2, cho rằng báo cáo của LHQ "dựa trên thông tin mang tính suy đoán, chưa được xác minh" và "không nên xem xét một cách nghiêm túc". Người này tuyên bố UAV Kargu không thể tự tấn công mục tiêu nếu không có lệnh của nhân viên điều khiển.
Nỗ lực đặt ra quy tắc quốc tế cơ bản cho UAV quân sự tới nay chưa có kết quả. Các cuộc đàm phán không chính thức của LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ trong 9 năm qua đạt rất ít tiến triển, khi các cường quốc như Mỹ và Nga phản đối lệnh cấm. Phiên họp cuối cùng đã kết thúc vào tháng 12/2022, song thời điểm cho cuộc thảo luận tiếp theo chưa được ấn định.
Toby Walsh, một học giả Australia vận động chống lại robot sát thủ, hy vọng các nước đạt đồng thuận về một số "lằn ranh đỏ" như cấm áp dụng công nghệ nhận diện để robot xác định hoặc tấn công một cá nhân hay một nhóm người cụ thể.
"Nếu không cẩn thận, chúng sẽ sinh sôi nảy nở dễ dàng hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân", học giả Walsh nhận định. "Nếu bạn có thể khiến robot giết một người, bạn có thể khiến nó sát hại hàng nghìn người".
Nguyễn Tiến (Theo AP)