Trần Thùy Linh, 18 tuổi, học lớp chuyên Sinh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Tháng 10/2020, Linh thi IELTS lần đầu tiên sau ba tháng ôn tập, đạt 8.0. Trong đó, Listening 8.5, Reading 8.0, Speaking 7.5 và Writing 7.0. Linh chia sẻ quá trình ôn luyện IELTS của bản thân.
Những năm phổ thông, mình học khá tiếng Anh nhưng chưa từng thi bất kỳ chứng chỉ nào. Với IELTS, mình chỉ biết là chứng chỉ quốc tế phổ biến, cần thiết để du học và xin việc, chứ không chủ động tìm hiểu dạng đề hay tự học.
Đầu năm lớp 12, được bạn bè rủ học IELTS, mình cũng tham gia nhưng chưa định hướng gì. Mình nhận ra IELTS rất khác so với chương trình tiếng Anh trên lớp, việc có nền tảng chỉ giúp đỡ mình phần nào, còn gần như vẫn phải ôn luyện từ đầu như các bạn.
Đến khi học được 2 tuần, mình mới xác định sẽ thi IELTS để không phí khóa học ba tháng này. Trước khi chính thức thi, mình tự ôn thêm hai tuần nữa và rút ra được những chiến thuật riêng.
Listening
Ngoài tài liệu luyện nghe gần như bắt buộc với người học IELTS là sách Cambridge, với mình Youtube là nguồn nghe phong phú, phù hợp với bất cứ ai muốn học ngôn ngữ. Mình thường chọn chủ đề yêu thích để nghe, có thể là nhận xét một sản phẩm công nghệ hoặc vlog, không ép bản thân phải nghe những gì quá học thuật.
Việc nghe những cái gần gũi, có phần đời sống, giao tiếp sẽ dễ hơn nghe những thứ hàn lâm, diễn thuyết như TED talk. Hơn nữa, mình nghĩ mỗi lần nghe khoảng 10 phút là vừa, không bị mệt, trong khi những bài TED thường dài 15-25 phút. Tổng thời gian luyện nghe mỗi ngày của mình là 30 phút.
Mình chọn nguồn nghe đa dạng, ngoài Anh-Anh, Anh-Mỹ và Anh-Australia, mình thậm chí còn nghe cả Anh-Ấn Độ. Khi đã quen, mình có thể đẩy tốc độ lên 1,25 lần, những ai phát âm dễ hiểu, nói chậm mình điều chỉnh lên 1,5. Trong lúc nghe, nếu thấy đoạn nào thú vị, mình sẽ ghi ra cách họ dùng từ, nhại theo ngữ điệu và cách phát âm.
Điểm yếu của mình là từ vựng nên hay nghe sai. Do đó, mình sẽ nghe hai lần và lần thứ hai xem phụ đề tiếng Anh, coi như một lần kiểm tra lại xem những gì vừa nghe trong lần đầu đã đúng hay chưa.
Mình cho rằng IELTS lặp lại đề, tất nhiên tần suất không thường xuyên. Do đó, bạn có thể áp dụng chiến thuật làm đi làm lại hoặc làm càng nhiều đề càng tốt. Biết đâu, bạn sẽ gặp lại trong phòng thi những bài đã làm rồi.
Reading
Mình phát hiện gần đây IELTS có xu hướng chọn những tài liệu liên quan đến sinh học để đưa vào phần đọc hiểu. Nếu có thời gian và hứng thú, bạn có thể học thêm cụm từ, thuật ngữ về sinh học để không hoang mang khi gặp bài đọc này.
Mỗi người sẽ có cách học phù hợp riêng. Mình thiên về đọc hiểu nên sẽ không đọc lướt, tìm ý, từ khóa trong hai bài đầu của để thi mà đọc câu hỏi để nắm qua nội dung bài trước, sau đó đọc hiểu cả bài rồi chọn đáp án đúng.
Tuy nhiên, đến bài thứ ba - bài khó nhất trong đề thi, việc đọc hiểu có thể mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, bài này sử dụng rất nhiều từ, cụm từ mới trong câu hỏi (paraphrase) để diễn đạt ý của bài, nếu chỉ áp dụng cách đọc hiểu, bạn dễ chọn sai đáp án. Do đó, đến bài này, phương áp tìm từ khóa, phán đoán lại có ích hơn với mình, giúp tiết kiệm thời gian và tăng xác suất tìm đáp án đúng.
Writing
Với kỹ năng này, bạn nên tìm một người có trình độ tốt hơn để đọc và sửa lỗi giúp vì rất khó để tự học. Mình không có nhiều kinh nghiệm trong việc viết tiếng Anh, cũng không phải là người thích viết. Hơn nữa, chỉ ôn tập trong thời gian ngắn, mình sẽ không có hiểu biết hay ý tưởng phong phú cho mọi chủ đề. Do đó, mình tận dụng tối đa cách viết đơn giản, dễ hiểu, đủ ý, đặt mục tiêu không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp để lấy điểm 7.
Nếu chủ đề bài viết rơi vào lĩnh vực bạn không biết nhiều, để không bị trừ điểm vì sai kiến thức khi lấy ví dụ, bạn nên chọn cách an toàn là kể về bản thân. Chẳng hạn, tôi thế này, người thân của tôi thế kia.
Ngoài ra, IELTS có 11 chủ đề chính, bạn nên học từ mới một cách chủ động, theo 11 chủ đề đó. Mỗi khi học từ mới, mình luôn mường tượng sẵn trong đầu sẽ dùng từ đó trong hoàn cảnh thế nào. Việc này giúp mình nhớ từ kèm cách dùng nhanh chóng hơn.
Speaking
Từ nhỏ, dù trình độ tiếng Anh không cao, mình khá bạo dạo khi nói. Mỗi khi thấy người nước ngoài, mình đều chạy đến vẫy tay rồi chào hỏi "Hello, how are you?". Việc này giúp mình không sợ nói và mình nghĩ đây là bước đầu tiên giúp bạn tự tin khi thi IELTS speaking.
Trước khi thi, mình luyện nói bằng cách nhại theo nhân vật trong các video trên Youtube. Ngoài ra, mình cố gắng suy nghĩ bằng tiếng Anh nhiều nhất có thể. Điểm mạnh của mình là phát âm vì đã có thời gian tiếp xúc và trò chuyện với người nước ngoài, nhưng điểm yếu là âm sắc. Mình nói hay bị đều, ít nhấn nhá nên phải tập trung cải thiện khía cạnh này.
Cũng như kỹ năng viết, trong thời gian ngắn, mình không xây dựng được nhiều ý tưởng và hiểu biết đa dạng về các đề tài trong cuộc sống. Để bù lại phần nội dung, mình đẩy mạnh phản xạ. Khi giám khảo đặt câu hỏi, mình trả lời khá nhanh và đảm bảo đúng cấu trúc, chú trọng thể hiện sự tự tin, giao lưu bằng mắt (eye contact) trong khi nói.
Thanh Hằng (ghi)