Khi Australia đề xuất mở cuộc điều tra quốc tế độc lập nguồn gốc Covid-19, Trung Quốc đã giận dữ đáp trả với hàng loạt lệnh trừng phạt thương mại chưa từng có tiền lệ, ngăn thông quan nhiều mặt hàng xuất khẩu trọng yếu của Australia.
Theo Jeffrey Wilson, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Perth USAsia, thông qua các đòn trừng phạt để "gây đau đớn" cho nền kinh tế Australia, Trung Quốc dường như muốn gửi thông điệp cảnh báo tới các nước khác về cân nhắc hơn thiệt trong quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Bắc Kinh đều đã thất bại trong cả hai mục tiêu này.
Wilson cho rằng những biện pháp trả đũa thương mại của Trung Quốc tác động không đáng kể lên nền kinh tế Australia. Khả năng chống đỡ sức ép một cách bền bỉ của Canberra đồng thời chứng minh lời cảnh báo của Bắc Kinh về "cái giá phải trả" có thể thấp hơn lo ngại ban đầu.
Australia bước vào cuộc đấu với Trung Quốc không phải với tâm thế "không còn gì để mất". Wilson lưu ý mối ràng buộc kinh tế giữa hai nước ngày càng chặt chẽ trong nhiều năm qua.
Từ năm 2009 đến năm 2019, xuất khẩu từ Australia sang quốc gia đông dân nhất thế giới tăng gấp ba lần, đạt khoảng 110 tỷ USD/năm. Gần một nửa kim ngạch thương mại song phương là quặng sắt của Australia, nguồn nguyên liệu quan trọng giúp nền kinh tế Trung Quốc thỏa cơn đói thép, phục vụ tăng trưởng nóng bằng ngành xây dựng. Ngoài than đá, khí đốt và nông sản, Australia còn có nguồn thu đáng kể từ du học sinh Trung Quốc đổ về các trường đại học ở nước này.
Trong một thời gian dài, Canberra và Bắc Kinh ngầm thỏa thuận gác lại các bất đồng chính trị để phục vụ mục tiêu đôi bên cùng hưởng lợi kinh tế. Nguyên tắc được giữ vững cả trong những thời điểm quan hệ song phương căng thẳng, giúp kim ngạch thương mại tăng trưởng đều đặn theo từng năm.
Nhưng mọi thứ thay đổi sau khi Covid-19 bùng phát. Tháng 4/2020, chính phủ Australia dẫn đầu nỗ lực kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập nguồn gốc nCoV ở Vũ Hán. Trung Quốc ra tuyên bố phản đối, đồng thời phủ đầu Australia bằng những đòn đánh thương mại, vốn được giới hoạch định chiến lược ở Bắc Kinh coi là "yếu huyệt" của chính phủ Thủ tướng Scott Morrison.
Trung Quốc mở đầu với lời đe dọa từ đại sứ Thành Cạnh Nghiệp về khả năng tẩy chay hàng hóa Australia ở thị trường nước này. Một tháng sau, Bắc Kinh áp mức thuế nhập khẩu 80,5% đối với lúa mạch Australia, khiến các nhà xuất khẩu lúa mạch nước này chao đảo. Danh sách trừng phạt nối dài với thịt bò, rượu vang, lúa mỳ, len cừu, tôm hùm, đường, đồng, gỗ, nho, bông đến than đá và khí đốt hóa lỏng.
Tháng 11/2020, đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra tiếp tục công bố danh sách "14 điểm không bằng lòng", yêu cầu Australia điều chỉnh nếu muốn quan hệ song phương trở về trạng thái bình thường.
Wilson nhận định những đòn đánh thương mại của Bắc Kinh nhắm vào Canberra có quy mô chưa từng có tiền lệ. Họ từng áp dụng công cụ này trong một số tranh cãi ngoại giao với Canada, Nhật Bản, Na Uy, Philippines, Hàn Quốc, song đây là lần đầu tiên một nền kinh tế đương đầu cơn thịnh nộ tổng lực từ Trung Quốc.
Căng thẳng Trung Quốc - Australia trở thành một "cuộc thử nghiệm chính sách" đáng chú ý của chính trị quốc tế đương đại. Giới nghiên cứu được chứng kiến một cuộc tách rời đột ngột về kinh tế giữa Trung Quốc và một quốc gia có 40% xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường này.
Nhưng Trung Quốc dường như không đạt được điều họ mong muốn trong thử nghiệm đó. Ngay sau đòn trừng phạt đầu tiên nhắm vào lúa mạch Australia, Ngoại trưởng Marise Payne công khai cáo buộc Trung Quốc "cưỡng ép kinh tế". Giới chức Australia vẫn kiên định với lập trường cần mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19.
Wilson cho rằng Australia chịu được áp lực khủng khiếp như vậy vì họ không để mình rơi vào tình thế "ngấm đòn" thương mại. Thay vì chấp nhận thiệt hại khi Trung Quốc dựng rào cản thương mại, Australia đã nhanh chóng nắn dòng chảy hàng hóa ra thị trường quốc tế, tìm kiếm những điểm đến mới cho hàng hóa xuất khẩu của mình.
Than đá được coi là minh chứng rõ nhất cho cách Australia chống đỡ thành công sức ép trong cuộc đấu thương mại với Trung Quốc.
Trung Quốc giữa năm 2020 cấm nhập khẩu than từ Australia, chuyển sang những nhà cung cấp từ Nga và Indonesia. Hệ quả là hai nước này giảm sản lượng than cung cấp cho thị trường quốc tế.
Nhận ra điều đó, Australia nhanh chóng lấp lỗ hổng nguồn cung, chuyển hướng xuất khẩu than đá tới các điểm đến mới là Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nỗ lực hồi phục kinh tế toàn cầu hậu Covid-19 đẩy giá than tăng cao, giúp các công ty Australia thu lợi nhiều hơn trong năm nay.
Chiến thuật tương tự được áp dụng thành công cho nhiều ngành kinh tế khác. Australia chuyển hướng xuất khẩu lúa mạch sang Arab Saudi và Đông Nam Á, đồng cho châu Âu và Nhật Bản, còn bông đưa sang nhiều nước đang khát nguyên liệu dệt may. Canberra chọn đường vòng với thịt bò và tôm hùm, dồn hàng về những công ty xuất khẩu chưa bị Bắc Kinh đình chỉ giấy phép, hoặc đưa hàng đi qua ngả Hong Kong.
Australia vẫn hứng chịu tổn thất, nhưng thấp hơn nhiều so với những gì giới quan sát từng lo ngại. Theo Bộ Tài chính nước này, các ngành nghề vướng lệnh trừng phạt thiệt hại khoảng 4 tỷ USD ở thị trường Trung Quốc trong năm đầu chịu đòn thương mại, nhưng thu về khoảng 3,3 tỷ USD nhờ thị trường mới. Thiệt hại mà họ hứng chịu chiếm gần 0,25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
"Chúng ta đã chứng minh nền kinh tế đất nước vô cùng kiên cường", Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg tuyên bố.
Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Perth USAsia lưu ý chiến thuật chuyển hướng xuất khẩu không phải lúc nào cũng hiệu quả. Những mặt hàng xuất khẩu áp dụng thành công chiến thuật này chủ yếu là nguyên phụ liệu thô. Trong khi đó, đồ gỗ và rượu vang Austrila, vốn phần lớn được sản xuất phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc, vẫn điêu đứng bởi hàng rào thương mại. Những mặt hàng nằm trong chuỗi cung ứng công nghệ và sản xuất toàn cầu còn vấp phải thách thức phức tạp hơn.
"Câu chuyện Australia dù vậy vẫn mang lại bài học quan trọng: Tách rời thương mại song phương không đồng nghĩa nền thương mại chắc chắn sẽ bị hủy diệt", Wilson nhấn mạnh.
Nhờ thiệt hại kinh tế không đáng kể, chính phủ Thủ tướng Scott Morrison có thể tự tin đẩy mạnh những chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Bản yêu sách "14 điểm không bằng lòng" của đại sứ Thành Cạnh Nghiệp trở thành "gậy ông đập lưng ông". Phái đoàn Australia ở hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Rome đã công bố bản yêu sách này cho toàn thể hội nghị, nhằm cáo buộc Bắc Kinh âm mưu thao túng chính sách. Tháng 9, Australia cùng Anh và Mỹ thành lập liên minh AUKUS để giúp Canberra sở hữu tàu ngầm hạt nhân, động thái được giới quan sát đánh giá là có thể đối trọng sức mạnh quân sự Trung Quốc ở khu vực.
Wilson cho rằng những gì diễn ra trong cuộc đấu giữa Canberra - Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc có thể dùng ưu thế thương mại từ nền kinh tế khổng lồ của mình làm công cụ gây áp lực, răn đe đối tác, nhưng đây không phải lúc nào cũng là đòn chí mạng nếu đối phương áp dụng chiến thuật chống đỡ hợp lý.
"Trung Quốc có thể là đối tác kinh tế lớn và quan trọng, nhưng hiển nhiên không phải duy nhất. Thị trường quốc tế có thể tự sắp xếp nhanh chóng để thích ứng với loạt biện pháp trừng phạt thương mại, giảm đáng kể tác động của chúng trên thực tế", Wilson nhận định. "Quá trình điều chỉnh vẫn gây đau đớn, nhưng cái giá phải trả thấp hơn những gì chúng ta từng lo ngại".
Trung Nhân (Theo Foreign Policy)