Bên trong nhà máy là những hành lang được vô trùng, chạy dọc nhiều căn phòng niêm phong kín mít. Nhà máy mới hoạt động 1/4 công suất. Đây là một trong ba nhà máy tại ba lục địa mà theo AP, chủ sở hữu của chúng cho biết có thể sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine Covid-19 trong thời gian ngắn, nếu có bản thiết kế và bí quyết kỹ thuật.
Nhưng những bí quyết này đều thuộc về các công ty dược phẩm lớn, những công ty sản xuất ba loại vaccine đầu tiên được Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ phê duyệt, bao gồm Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Tất cả các nhà máy đang chờ phản hồi của ba công ty này.
Sản xuất theo thỏa thuận đặt hàng nghĩa là một số quốc gia nghèo hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua vaccine so với những quốc gia giàu có. Nam Phi, Mexico, Brazil và Uganda đều phải trả giá tiền khác nhau cho cùng loại vaccine của AstraZeneca, trả nhiều hơn chính phủ các nước EU. AstraZeneca cho hay giá tiền vaccine phụ thuộc vào các yếu tố như chi phí sản xuất, nơi sản xuất và số lượng đặt hàng.
"Những gì chúng ta chứng kiến bây giờ là cách tiếp cận vaccine bằng việc giẫm chân lên nhau, mạnh ai nấy sống, là kiểu những kẻ có tiền nhất thò tay vào sâu nhất để tóm lấy thứ mình muốn và để mặc cho kẻ khác chờ chết", Winnie Byanyima, giám đốc điều hành UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS), nói.
Tại Nam Phi, nơi phát hiện một trong những biến chủng Covid-19 đáng lo ngại nhất thế giới, nhà máy Biovac cho hay đã phải đàm phán với một nhà sản xuất giấu tên suốt nhiều tuần mà không đạt được thỏa thuận. Tại Đan Mạch, nhà máy Bắc Âu ở Bavaria có năng lực sản xuất hơn 200 triệu liều cũng đang chờ đợi được các công ty dược cấp phép sản xuấ vaccine Covid-19.
Chính phủ và các chuyên gia y tế đã đưa ra hai giải pháp cho tình trạng thiếu vaccine. Một do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ, là tự nguyện chia sẻ công nghệ, sở hữu trí tuệ và dữ liệu lên một nền tảng được thiết lập từ trước để chia sẻ dữ liệu về HIV, lao và viêm gan. Nhưng chưa công ty nào đề xuất chia sẻ dữ liệu của mình cũng như đề nghị chuyển giao công nghệ.
Phương án thứ hai là đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ trong thời kỳ đại dịch. Đề xuất này đã bị Mỹ và châu Âu chặn đứng trong cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cần ít nhất 119 nước trong số 164 quốc gia thành viên của WTO thông qua phương án này nhưng nó đã bị các nhà sản xuất vaccine phản đối gay gắt.
Các công ty dược phẩm cho rằng thay vì dỡ bỏ hạn chế quyền sở hữu trí tuệ, các nước giàu chỉ nên cung cấp nhiều vaccine hơn cho nước nghèo thông qua COVAX, sáng kiến công tư do WHO dẫn dắt nhằm phân phối công bằng vaccine. WHO và các đối tác đã giao những liều vaccine đầu tiên vào tuần trước với số lượng cực kỳ hạn chế.
Các nước giàu không sẵn lòng từ bỏ những gì mình có. Hồi đầu tháng 2, Ursula Von der Leyen, người đứng đầu Ủy ban châu Âu, đã sử dụng cụm từ "lợi ích chung toàn cầu" để mô tả về vaccine.
Tuy nhiên, vào cuối tuần, EU lại áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu vaccine, cho phép các quốc gia thành viên chặn đưa vaccine khỏi biên giới quốc gia trong một số trường hợp.
Cách làm việc lâu này trong ngành dược là công ty rót tiền đầu tư và nghiên cứu, đổi lại quyền thu lợi từ sản xuất thuốc và vaccine. Trong một diễn đàn của ngành dược hồi tháng 5/2020, giám đốc điều hành Albert Bourla của Pfizer đã gọi ý tưởng chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ là "phi nghĩa" và "nguy hiểm".
Pascal Soriot, giám đốc của AstraZeneca, cho rằng nếu quyền sở hữu trí tuệ không được bảo vệ, thì "sẽ không có động lực cho bất kỳ ai nghiên cứu sáng tạo nữa".
Thomas Cueni, tổng giám đốc Liên đoàn các nhà sản xuất dược quốc tế, gọi ý tưởng dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế là "tín hiệu cực kỳ xấu với tương lai. Nó báo hiệu rằng nếu xảy ra đại dịch, sáng chế của bạn chả có giá trị gì cả".
Những người ủng hộ chia sẻ bản thiết kế vaccine lập luận rằng không giống đa phần các loại thuốc khác, người nộp thuế đã phải trả hàng tỷ đồng để phát triển vaccine, mặt hàng được coi là "hàng hóa công toàn cầu" nên áp dụng sáng kiến này để chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng lớn nhất lịch sử.
"Người ta đang chết dần chỉ vì chúng ta không thể thống nhất với nhau về quyền sở hữu trí tuệ", Mustaqeem De Gama, một nhà ngoại giao Nam Phi, người đã tham gia sâu vào các cuộc thảo luận tại WTO, nói.
Paul Fehlner, giám đốc pháp lý của công ty công nghệ sinh học Axcella là người ủng hộ nền tảng chia sẻ dữ liệu của WHO, cho biết chính phủ những quốc gia đã rót hàng tỷ USD vào việc phát triển vaccine và phương pháp điều trị nên đòi hỏi nhiều hơn từ các công ty mà họ đã cấp vốn nghiên cứu.
"Đã lấy tiền thuế của người dân rồi thì không được phép đối xử với họ như kẻ bịp bợm", ông nói.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 3/2 với Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học của Mỹ, cho hay cần phải bàn bạc về mọi phương án, bao gồm tăng viện trợ, nâng cao năng lực sản xuất tại các nước đang phát triển, cũng như thỏa thuận với các công ty dược để họ buông lợi ích bằng sáng chế.
"Các quốc gia giàu có, bao gồm Mỹ, phải có trách nhiệm đạo đức trong thời điểm dịch bệnh bùng phát toàn cầu như thế này", ông nói. "Chúng ta phải tiêm chủng cho cả thế giới, không chỉ riêng Mỹ".
Rất khó để biết chính xác có thể sản xuất thêm bao nhiêu vaccine nếu dỡ bỏ được hạn chế về sở hữu trí tuệ, bởi năng lực sản xuất dự phòng của các nhà máy không được công khai. Nhưng Suhaib Siddiqi, cựu giám đốc hóa học của Moderna, cho rằng chỉ cần có bản thiết kế kỹ thuật, một nhà máy hiện đại có thể sản xuất vaccine ngay trong 3-4 tháng.
"Theo ý tôi, vaccine thuộc về của chung", Siddiqi, người vẫn hoạt động trong lĩnh vực này, nói. "Bất kỳ công ty nào có kinh nghiệm về tổng hợp phân tử đều sản xuất được".
Quay lại Bangladesh, nhà máy Incepta đã cố gắng đạt được điều mình cần để sản xuất thêm vaccine theo hai cách, một là giới thiệu dây chuyền sản xuất với Moderna và hai là liên hệ với đối tác của WHO. Moderna không trả lời yêu cầu bình luận về nhà máy ở Bangladesh nhưng giám đốc điều hành Stéphane Bancel từng nói với các nghị sĩ EU rằng các kỹ sư của công ty đang làm việc hết công suất để mở rộng sản xuất ở châu Âu.
"Chuyển giao công nghệ tới nhiều nhà máy hơn vào lúc này đồng nghĩa với việc đặt sản xuất và tăng sản lượng trong những tháng tới vào rủi ro lớn", ông nói. "Chúng tôi rất sẵn lòng chuyển giao công nghệ trong tương lai, khi các nhà máy hiện tại đã nắm chắc công nghệ".
Muktadir cho hay vào tháng 5 năm ngoái, ông đã thảo luận với CEPI (Liên minh Sáng kiến Ứng phó Dịch bệnh), một trong những đối tác của WHO trong nỗ lực toàn cầu để mua bán và phân phối vaccine Covid-19 một cách công bằng, nhưng không đem lại kết quả. Tom Mooney, phát ngôn viên của CEPI, cho hay các cuộc đàm phán năm ngoái với Incepta không thu hút được sự quan tâm, nhưng CEPI vẫn tiếp tục thảo luận "về các cơ hội hợp tác, bao gồm khả năng sử dụng năng lực của Incepta trong đợt sản xuất vaccine thứ hai".
Muktadir đánh giá cao những thành tựu khoa học vaccine phi thường trong năm nay, mong muốn cả thế giới có thể chia sẻ nó và sẵn lòng trả mức giá hợp lý.
"Chẳng ai buộc phải cho không tài sản của mình", ông nói. "Chúng ta có thể cùng bàn bạc để tìm ra cách đưa vaccine chất lượng cao và hiệu quả tới mọi người".
Hồng Hạnh (Theo AP)