Bốn đồng nghiệp khác trong phòng cũng đồng loạt rục rịch thức giấc. Hơn 30 phút sau, họ đã "tay xách nách mang" đủ bộ dụng cụ lấy mẫu mũi họng, đồ bảo hộ, giấy tờ... Ba chiếc xe máy lao vút đi trong bóng đêm. 27/2 là ngày thứ 12 họ đi lấy mẫu xét nghiệm nCoV ngẫu nhiên tại bến xe miền Đông cũ, quận Bình Thạnh; cũng một tháng họ tham gia truy vết dịch tễ ở thành phố.
Từ 5 đến 7h sáng, cùng với ba nhân viên Trạm y tế phường 26, nhóm đã lấy đủ 100 mẫu xét nghiệm của người về từ Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Hà Nội... Sau khi bảo quản mẫu trong thùng chuyên dụng, cả nhóm thu xếp đồ nghề, lên xe về lại trụ sở cơ quan.
Tại đây, nhóm chia nhỏ theo nhiệm vụ đã được phân công từ trước. Người chuyển mẫu về Bệnh viện quận Thủ Đức để phân tích bằng kỹ thuật RT-PCR. Người trực ban, tiếp nhận các trường hợp về từ vùng dịch đến khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Những người khác tiếp tục đến hai khu cách ly tập trung tại phường 21 và 28, phết mẫu mũi họng định kỳ cho người đang cách ly.
Khoảng 18h, anh Công và đồng nghiệp lại tập hợp, lên ôtô đi theo đoàn kiểm tra liên ngành của quận, đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tập trung đông người, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát. Xong xuôi, họ về lại Trung tâm y tế khi đã giữa đêm.
Anh Công cho biết, một tháng qua cả đội đã làm việc liên tục với lịch trình dày đặc như vậy, chỉ thay đổi địa điểm lấy mẫu. Ban đầu, đội lấy mẫu xét nghiệm tầm soát tại sân bay Tân Sơn Nhất, liên quan đến chuỗi lây của nhóm công nhân bốc xếp, rồi đến các khu vực bị phong tỏa vì có bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.
Anh Hồ Minh Hoàng, Trưởng Trạm y tế phường 26 chia sẻ, những ngày đầu, lịch lấy mẫu tại bến xe từ 4-6 sáng. Như vậy, mọi người phải dậy từ 3h để kịp chuẩn bị xuất phát. Dậy sớm liên tục khiến toàn đội nhanh mất sức. Sau, theo tình hình thực tế, anh Hoàng và anh Công đã đề xuất với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) và ban quản lý bến xe rời lịch lấy mẫu muộn một tiếng, để anh em có thời gian ngủ nhiều hơn một chút, đảm bảo sức khỏe làm việc.
"Chưa ngày nào chúng tôi ngủ đủ giấc", anh Lê Thành Đạt, 30 tuổi, với đôi mắt quầng thâm, ngầu đỏ vì thiếu ngủ nói.
Anh Đạt chia sẻ, khối lượng công việc do dịch khổng lồ, dù đã được các trạm y tế hỗ trợ nhưng toàn đội ai cũng phải làm việc bằng 200% sức lực mới kịp tiến độ. Do đó, mỗi ngày các anh chị chỉ ngủ được 3-5 tiếng, và dĩ nhiên là không ngủ thẳng một giấc như thông thường.
Vừa để bảo vệ an toàn cho gia đình, vừa giảm thiểu thời gian di chuyển giữa nhà và cơ quan, kịp thời có mặt ngay khi được triệu tập khẩn cấp, đội lấy mẫu tự nguyện không về nhà, mà ở lại cơ quan.
Ban đêm, họ tận dụng phòng hành chính hoặc kho làm chỗ ngủ. Vài chiếc ghế bố, vài tấm nệm cá nhân kê tạm xuống nền nhà trở thành giường. Anh Công kể, hầu như họ đặt lưng là ngủ ngay. Nhưng những giấc ngủ chập chờn, hoặc ngủ mệt xuyên giấc không cựa mình, không xoay trở. Sáng thức giấc thấy tê cứng một bên vai. Sợ mệt quá ngủ quên, họ phải đặt thật nhiều hồi báo thức trên điện thoại, với mức chuông thật to.
Còn ban ngày, các anh chị ngủ tranh thủ chợp mắt ở bất kỳ đâu. Có thể trên vài chiếc ghế nhựa xếp vội, gục trên mặt bàn đầy giấy tờ, hay ngả người vào băng ghế chờ nơi bến xe... Vài phút ngả lưng ngắt quãng cũng trở nên đáng giá.
Song song với nhóm lấy mẫu xét nghiệm, nhóm truy vết dịch tễ của quận cũng làm việc xuyên Tết, xuyên đêm. Quận Bình Thạnh có 20 phường, mỗi trạm y tế phường cử một người nhận nhiệm vụ đi tìm các F1, F2. Đỉnh điểm, ngày 7/2, quận phát hiện 5 ca dương tính nCoV, đội truy vết đã có những ngày "mệt chưa từng có".
Chia sẻ với VnExpress, anh Trương Sỹ Phú, 45 tuổi, cử nhân sinh học, trạm y tế phường 25, nói không ngại đảo lộn giờ giấc sinh hoạt, đi đêm về hôm, phải ăn uống tạm bợ hay phải xa gia đình để làm nhiệm vụ. Điều anh trăn trở nhất là vẫn có tình trạng người dân không tự nguyện chấp hành cách ly, dù thuộc diện nguy cơ cao F1.
Anh kể, khuya 8/2, nhận danh sách hàng chục F1 trên địa bàn phải đi cách ly tập trung từ HCDC, anh vội gọi điện thoại yêu cầu họ ở nhà, không tiếp xúc với ai, dặn "tôi sẽ đến ngay". Song, khi anh đến, có người đàn ông nhất quyết không chịu gặp trực tiếp, hay nghe điện thoại. Những hồi chuông điện thoại rơi vào vô vọng. Anh Phú đành nhắn tin thuyết phục, người này mới chịu mở cửa ban công tầng một, đứng nói vọng xuống. Ông ta nói muốn ở nhà vài ngày tết cho trọn vẹn, hứa sẽ tự cách ly. Khi không được chấp thuận, người đàn ông cự cãi.
"Nửa đêm bị quát mắng cũng buồn chứ. Mình thông cảm với tâm lý lo lắng của họ song vẫn kiên quyết không nhượng bộ, không làm trái quy định phòng chống dịch", anh nói.
Ở phường 22, cách đó chừng 3 km cũng có một trường hợp tương tự. Một gia đình ba người từ Thanh Miện, Hải Dương về đã một tuần nhưng không khai báo y tế, ở trong nhà đóng kín cửa, không giao lưu với hàng xóm. Khi bị phát hiện, yêu cầu đi cách ly tập trung theo diện người về từ vùng dịch, gia đình này kiên quyết từ chối. Lực lượng công an địa phương lập biên bản cảnh cáo họ mới chấp hành.
Với anh Đỗ Văn Hiến, 44 tuổi, trưởng Trạm y tế phường 22 thì một tháng qua là chuỗi ngày không bao giờ quên. Số điện thoại của anh trở thành hotline tiếp nhận khai báo y tế, giải đáp thắc mắc về dịch bệnh cho người dân. Bên cạnh đó, anh có nhiệm vụ trực tiếp gặp các F1 khai thác dịch tễ, đưa đi cách ly. Cường độ công việc cao, thiếu ngủ dài khiến anh bị stress nặng. Nhờ có đồng nghiệp tích cực chia sẻ công việc, anh mới dành được thêm vài tiếng để ngủ sâu, nạp lại năng lượng.
"Lúc dịch bệnh, người dân cần mình nhất. Dù mệt nhưng nhân viên y tế cũng phải cố gắng không được ốm", anh Hiến chia sẻ.
Từ ngày 28/1, khi "bệnh nhân 1660" liên quan đến ổ dịch Hải Dương có kết quả xét nghiệm dương tính nCoV, TP HCM đã tái kích hoạt toàn bộ hệ thống, nâng cao thêm một mức phòng, chống dịch. Sau đó một tuần, ca chỉ điểm (bệnh nhân 1979) và 34 bệnh nhân khác ở cụm dịch sân bay Tân Sơn Nhất, được phát hiện.
Hàng nghìn nhân viên y tế TP HCM đã tỏa đi khắp các mặt trận để dập dịch, đặc biệt đội truy vết, xét nghiệm dịch tễ làm việc suốt ngày đêm một tháng qua.
Đến nay thành phố đã trải qua giai đoạn cao điểm, tình hình dịch được kiểm soát tốt. Tổng số ca dương tính đợt này được khống chế ở con số 36. 16 ngày qua thành phố không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Mặc dù vậy, "thành lũy chống Covid-19" của TP HCM chưa hạ, mà còn được xây dựng dày dặn hơn. Đội quân truy vết dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm trên khắp thành phố vẫn miệt mài làm việc, tiếp tục xa gia đình, lao mình vào những nơi nCoV rình rập.
Thư Anh