Hơn 1h sáng 15/5, chiếc xe đứng chờ sẵn trước cổng khu công nghiệp huyện Việt Yên, chở các nhân viên y tế về lại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang. Từng tốp người bước ra, dáng vẻ bơ phờ nhưng khẩn trương. Kiệt sức, mỏi mệt, không ai nói với ai câu gì. Không khí trên xe im lặng như tờ, có người nhìn môg lung ra ngoài, người tranh thủ tựa lưng vào cửa sổ chợp mắt.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương, 46 tuổi, cán bộ Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang được điều động đi chống dịch từ ngày 13/5. Khi đó, Bắc Giang mới ghi nhận hơn 100 ca mắc. Sau một tuần, số ca lên đến 700, Bắc Giang trở thành điểm nóng trên cả nước. Công việc của nhân viên y tế cũng tăng lên nhiều phần. Có đêm, nhiều người chuẩn bị cởi đồ bảo hộ đi về thì lại phát sinh vài trăm mẫu cần lấy.
"Nhiều đêm lấy mẫu lả cả người đi vì mệt nhưng tình hình khó khăn, công nhân chờ được thì mình không có lý do gì để dừng", chị Hương giãi bày. Cuộc chiến đẩy lùi đại dịch vẫn nóng như chảo lửa.
Thông thường, công việc lấy mẫu bắt đầu từ sắp xếp bàn và ghế ngồi đảm bảo giãn cách, kiểm tra khu vực an toàn, vô khuẩn, phân luồng bệnh nhân... Xong xuôi, nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ nhanh chóng chuẩn bị thiết bị y tế, sẵn sàng đi "săn" Covid-19.
Theo chị Hương, công việc không khó nhưng nhiều, phải làm "luôn tay luôn chân" do số lượng đông. Từ khi Covid-19 bùng phát, ở đây không có khái niệm đêm, ngày. Nhiều khó khăn khác như khu vực lấy mẫu là phòng ăn hay tại các phân xưởng sản xuất của công ty nên kín, chỉ có hai cửa ra vào, không được bật quạt và điều hòa. Bên trên là mái tôn hấp nhiệt cùng bộ bảo hộ kín bưng, ai cũng nóng bức, mồ hôi chảy thành dòng, "vắt áo ra nước" nhưng phải quên đi để làm việc.
"Mọi thao tác phải càng nhanh càng tốt, nhưng phải kỹ để không bỏ sót ca bệnh ra cộng đồng", chị Hương nói.
Một tuần đi chống dịch, chị và đồng nghiệp luôn mở điện thoại 24/24 để nhận lệnh, ngủ không quá 4 tiếng, "ăn chỉ để cho qua bữa". Cảm giác nóng nực, mệt mỏi và họng khô khốc như bị bỏ quên, nỗi lo lắng đi vào tâm dịch cũng gác lại. Chị kể, thỉnh thoảng mệt quá, có người chạy ra góc xa, tìm nơi bằng phẳng để dựa lưng hoặc tựa vào ghế vài phút, rồi quay lại làm việc.
"Nhìn danh sách công nhân đợi xét nghiệm dày lên từng phút, hàng nghìn mẫu chưa có kết quả, chúng tôi không cho phép mình nghỉ ngơi quá nhiều", chị Hương nói.
Cùng trong ngày 15/5, Bệnh viện Việt Nam - Uông Bí, Thụy Điển, Quảng Ninh cử 200 nhân viên y tế đi chi viện. "Cứ đi đã, ngày về báo sau", bác sĩ Vũ Trí Tuệ, phó đoàn nói. Theo anh, đội chi viện lần này di chuyển quy mô như một bệnh viện dã chiến gồm giám đốc, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, bảo vệ, phòng trường hợp xấu nhất, số ca tăng lên hàng nghìn vẫn không bị động.
Đánh giá chuyến đi lần này khó khăn hơn do điều kiện thời tiết nóng nực, mọi người phải mặc bảo hộ trong 12 tiếng hoặc hơn. Chưa kể, quy mô dịch ở Bắc Giang lớn, có ngày phát hiện hơn 100 ca F0 nhưng quy trình tổ chức chưa đảm bảo, đã phát hiện ca bệnh cộng đồng.
"Chúng tôi xác định cuộc chiến lần này cam go hơn vì Bắc Giang chưa có nhiều kinh nghiệm chống dịch, dịch bùng lên trong khu công nghiệp cả nghìn người và biến chủng gây bệnh là loại mới, rất nguy hiểm", bác sĩ Tuệ phân tích.
Ngày đầu làm việc, bác sĩ Tuệ đứng nói hơn 10 tiếng cho 2000 người để chỉ dẫn cách phân luồng, ưu tiên người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai. Khi đó, khu vực lấy mẫu vẫn đóng kín cửa, bật điều hòa. Các bác sĩ phải phối hợp với lực lượng chức năng mở toàn bộ cửa, tắt điều hoà, bật quạt để không khí thông thoáng.
Giọng lạc đi, anh Tuệ nói đợt dịch này không phải đến gõ cửa từng nhà ở Đông Triều, Quảng Ninh hồi tháng 2, nhưng số mẫu dồn dập đổ về, cứ thêm người mới là phải phân luồng, hướng dẫn lại từ đầu. Một số người dân chủ quan, không hợp tác. Nhiều nhân viên y tế kiệt sức do say nắng, đói, khát. Song, là đội đầu tiên đến chi viện, anh Tuệ luôn động viên mọi người cố gắng, "cứ nghĩ tới lúc được cởi đồ bảo hộ làm động lực".
Ngày 17/5 là thời điểm căng thẳng nhất, số mẫu tăng lên nhiều, 50 người trong nhóm chi viện phải làm liên tục từ sáng đến tối, không ăn trưa, lấy hơn 6.000 mẫu. Anh Tuệ nói vui, khả năng chịu đói, chịu mệt, của nhân viên y tế qua đợt dịch thì không ai đọ lại. Dưới thời tiết 37, 38 độ, mồ hồi chảy thành dòng, mọi người vẫn miệt mài xét nghiệm và ghi chép số liệu. Mục tiêu là phải lấy hết mẫu trong danh sách trong thời gian quy định, hạn chế kéo dài sang ca khác.
Anh nói, chuyến đi này 2/3 là nữ, nhiều người có con nhỏ nhưng vẫn tự nguyện tham gia chống dịch. Riêng anh may mắn được vợ hiểu và thông cảm. "Từ tết đến nay, thời gian tôi dành cho gia đình không nhiều, con gái chưa đầy tuổi thiệt thòi vì thiếu sự chăm sóc của bố", anh Tuệ nghẹn ngào. Anh vừa trở về sau một tháng đi công tác tại Trung tâm y tế huyện trước khi nhận lệnh đi Bắc Giang.
Ngày 19/5, Ban chỉ đạo chống dịch tỉnh thông báo hai ổ dịch ở Công ty Shin Young (khu công nghiệp Vân Trung) và ở công ty Hosiden Việt Nam đang diễn biến phức tạp do các F1 đã đến giai đoạn bệnh khởi phát, các mẫu xét nghiệm có tỷ lệ dương tính rất cao, được ngành y tế tỉnh đánh giá là "rất nguy hiểm". Ngoài ra, có thể sẽ phát sinh tiếp các ca F0 nữa tại Công ty Samkwang và tại khu cách ly tập trung. Một số trường hợp F0 không phải là công nhân, phát hiện trong quá trình xét nghiệm sàng lọc.
Nghe tin, Hương và đồng nghiệp lặng người đi. Chị hiểu rõ, F1 tăng thì số mẫu lấy nhiều hơn, chưa kể người đã âm tính lần cũng phải kết quả cuối cùng, người yếu tố nguy cơ cần phải được tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2, lần 3. Nếu có một F0, mọi người phải xét nghiệm, truy vết lại từ đầu.
"Cuộc chiến này không biết kéo dài đến bao giờ", chị Hương thở dài.
Còn với anh Tuệ và nhóm chi viện nói lần này phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba, quan điểm là "giúp bạn cũng như giúp mình". Anh nghĩ, đây là cuộc chiến chung, không ai đứng ngoài cuộc.
Trở về bệnh viện sau ngày dài làm việc, khuôn mặt ai cũng sạm đi vì nắng, mắt trùng xuống vì thiếu ngủ, chân phồng rộp nhưng vẫn cười nói động viên nhau. Có người nghỉ ngơi lấy lại sức, người gọi cho gia đình thủ thỉ khi về sẽ tự tay nấu bữa cơm cho chồng con, có người tranh thủ ăn vội hộp cơm đã nguội ngắt từ bao giờ.
Thùy An