Tại hội thảo Chiến lược xây dựng hồ sơ theo ngành học khi nộp vào đại học top đầu thế giới của Tổ chức giáo dục Summit ngày 11/4, nhiều học sinh chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, viết luận và phỏng vấn để chinh phục hội đồng tuyển sinh của các đại học top đầu thế giới.
Tham gia các hoạt động xã hội liên quan đến ngành
Trước khi biết mình thích gì, học sinh thường tham gia hoạt động đa dạng để tìm kiếm cảm hứng. Tuy nhiên, khi đã xác định được một ngành hoặc lĩnh vực để theo đuổi, bạn chỉ nên tập trung vào những hoạt động liên quan để hồ sơ có sự thống nhất, tránh lãng phí thời gian.
Nguyễn Trần Đức Anh, trúng tuyển Đại học Rice (top 16 nhóm đại học quốc gia tại Mỹ), quan tâm đến các vấn đề về chính sách và bình đẳng giới. Do đó, em đăng ký tham gia VOGE, Tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam, chủ động xin hỗ trợ các giảng viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam, thực tập tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đức Anh và nhiều học sinh đã trúng tuyển đại học Mỹ lưu ý, việc tham gia nhiều hoạt động phải xuất phát từ sự quan tâm, hứng thú của bản thân. Nếu chỉ làm để đẹp hồ sơ, bạn sẽ nhanh chán và thấy quá tải. Thay vì chạy theo những ngành hot, bạn cần xây dựng hồ sơ dựa trên niềm đam mê thực sự của mình.
Viết luận
Sau khi tham gia rất nhiều hoạt động, bước tiếp theo, bạn cần kết nối những hoạt động đó theo một chủ đề, tạo thành câu chuyện đưa vào bài luận, tạo sự kết nối, mạch lạc, đồng thời thể hiện được sự phát triển, trưởng thành của người viết theo thời gian.
Cả Đức Anh và Ngọc Anh đều đánh giá đây là bước mang tính quyết định của hồ sơ. "Thành tích, hoạt động nổi trội, đa dạng nhưng bạn không thể hiện được hết cái hay và kết quả tích cực của những thứ đó đến bản thân thì vẫn có khả năng trượt học bổng", Ngọc Anh nói.
Nam sinh lấy ví dụ, trong bài luận của mình, em giải thích vì sao thích tâm lý và đề cập đến việc sở hữu nền tảng âm nhạc. Khi kết hợp hai lĩnh vực đó với nhau, em nhận ra điều gì. Từ nhận thức này, em tham gia hoạt động liên quan để tăng hiểu biết, tìm lời giải đáp cho chính mình. Trong quá trình đó, Ngọc Anh nhận thấy bản thân cũng phát triển theo hướng tích cực hơn.
Phỏng vấn
Sau khi hoàn thành luận và nộp hồ sơ, bạn có thể phải trải qua thêm vòng phỏng vấn, tùy thuộc vào trường bạn ứng tuyển. Thông thường, đại học top đầu Mỹ đều yêu cầu ứng viên trải qua vòng này, đa số tổ chức vào kỳ tuyển sinh sớm.
Về cơ bản, nội dung cuộc phỏng vấn yêu cầu bạn diễn đạt lại những gì mình đã đề cập trong bài luận và trả lời thêm những câu hỏi chuyên sâu. Do đó, bạn cần đảm bảo hai yếu tố: Thể hiện cho giám khảo thấy mình thích ngành và thích trường.
Theo kinh nghiệm của Đức Anh, các trường có thể không công bố yêu cầu phỏng vấn trên website. Để có sự chuẩn bị tốt, bạn nên hỏi anh chị các khóa trước và bắt đầu luyện tập ngay khi hoàn thành bài luận. Về quy trình, bạn sẽ được phỏng vấn bởi một giảng viên hoặc cựu sinh viên từng học ngành giống với lĩnh vực bạn quan tâm, do trường sắp xếp. Họ có nhiệm vụ trao đổi, kiểm tra kiến thức về ngành, sự hiểu biết về trường của bạn, sau đó báo cáo với trường.
Với trường hợp của mình, ngay khi được báo sẽ được phỏng vấn bởi cựu sinh viên đã ra trường 10 năm, Đức Anh đã dành thời gian tìm hiểu và đọc một chút thông tin về người này. Cùng với đó, em dành thời gian đọc thêm về ngành mình định học và các lĩnh vực liên quan. "Giảng viên hay cựu sinh viên đều là những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực bạn chọn. Nếu không tích lũy thêm kiến thức, bạn có thể nói sai và họ hoàn toàn phát hiện ra. Việc này khiến bạn bị đánh giá thấp và có thể trượt học bổng", Đức Anh nói.
Ứng viên cũng nên chuẩn bị những câu hỏi cho người phỏng vấn, tránh để mình là người trả lời trong toàn bộ cuộc nói chuyện. Theo kinh nghiệm của mình, với những người nói nhiều, hoạt ngôn, Đức Anh sẽ dành những câu hỏi vào cuối buổi. Còn nếu người hỏi khá kiệm lời, bạn có thể tương tác, trả lời và hỏi lại xen kẽ, sao cho cuộc phỏng vấn kéo dài tối thiểu 30-45 phút.
Thanh Hằng