Ngày 13/9, thế giới ghi nhận hơn 200 triệu ca Covid-19 và khoảng 4,6 triệu trường hợp tử vong. Sau mùa hè yên ả, một số khu vực đứng trước đợt bùng phát mới, chủ yếu ở người chưa tiêm đủ hai liều vaccine.
Mỹ vượt quá 40 triệu bệnh nhân, nhiều hơn dân số của bang California. Nhiều nước châu Âu tái áp dụng lệnh cấm du lịch và hạn chế với người chưa tiêm phòng. Các nước như Hàn Quốc và Israel nới quy định về giãn cách xã hội, trong khi một số khu vực như Australia hay Philippines gia hạn lệnh phong tỏa. Con đường thoát khỏi đại dịch của thế giới vẫn còn gập ghềnh.
Trước đó, để khuyến khích và thuyết phục những người còn e ngại với vaccine, chính phủ các nước dùng nhiều biện pháp "cà rốt" như thưởng tiền mặt, quay xổ số, trao học bổng, phiếu mua hàng đến đồ ăn miễn phí... Tuy nhiên, trong bối cảnh biến thể Delta lây nhiễm phức tạp, nhiều nước công bố các chính sách mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh quá trình đạt miễn dịch cộng đồng. Một trong những chiến lược mũi nhọn của nhiều nước là bắt buộc tiêm chủng.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden ngày 9/9 công bố kế hoạch tiêm chủng bắt buộc hoặc xét nghiệm hàng tuần dành cho tất cả doanh nghiệp có từ 100 nhân viên trở lên.
Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp của Bộ Lao động dự kiến ban hành bộ tiêu chuẩn tạm thời nhằm thực hiện quy định mới, có thể ảnh hưởng tới 80 triệu nhân viên trong khu vực tư nhân. Những đơn vị không tuân thủ sẽ đối mặt với án phạt lên tới 14.000 USD. Chủ doanh nghiệp cũng phải sắp xếp cho lao động nghỉ việc có lương sau khi tiêm chủng để phục hồi sức khỏe do tác dụng phụ của vaccine.
Quy định mới là một phần trong 6 chiến lược mũi nhọn của Mỹ, bao gồm tăng cường tiêm chủng, cải thiện khả năng xét nghiệm, phổ cập các phương pháp điều trị Covid-19... Tất cả nỗ lực cao độ nhằm chống lại đại dịch trong bối cảnh ca nhiễm và nhập viện gia tăng.
Dựa vào năng lực sản xuất của các hãng dược, chính quyền hy vọng phân phối hàng trăm triệu bộ xét nghiệm nhanh, sử dụng tại nhà, phòng khám địa phương đến các trường học trên toàn quốc. Điều này giúp phát hiện ca nhiễm dễ dàng và ngăn chặn dịch bệnh sớm hơn. Các nhà bán lẻ cũng cung cấp kit test nhanh cho người dùng với mức giá thấp hơn hai phần ba so với bình thường trong ba tháng tới.
Chính phủ Indonesia ban hành quy định bắt buộc tiêm vaccine hồi tháng 2, khi quốc gia đối mặt với làn sóng Covid-19 tàn khốc. Theo đó, người đủ điều kiện phải tiêm phòng, nếu từ chối sẽ bị phạt tiền hoặc cắt trợ cấp xã hội. Hình phạt tùy thuộc vào mỗi địa phương.
Đất nước đông dân thứ 4 thế giới bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào giữa tháng 1, khi Tổng thống Joko Widodo quyết định nhập vaccine Sinovac của Trung Quốc. Đến giữa tháng 2, Indonesia tiêm được hơn 1,7 triệu liều trong khoảng 276 triệu dân.
Cuối tháng 8, Indonesia tuyên bố đã tiêm 100 triệu mũi vaccine, 15% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Số ca nhiễm trong nước đang giảm sau đỉnh dịch tháng 7. Khi ấy, quốc gia ghi nhận hơn 56.000 ca nhiễm một ngày, biến thể nCoV áp đảo bệnh viện.
Tại Turkmenistan, tất cả người 18 tuổi trở lên bắt buộc tiêm chủng, trừ khi có lý do miễn trừ y tế. Thông báo được Bộ Y tế nước này đưa ra hồi tháng 7, khi dịch đột ngột leo thang. Trước đó, Turkmenistan không ghi nhận ca tử vong do Covid-19.
Trong nhiều tháng, chính phủ áp dụng lệnh hạn chế đối với nhà hàng, cấm xe buýt và tàu hỏa đi lại giữa các khu vực khác nhau. Turkmenistan mua vaccine của Nga và Trung Quốc. Dữ liệu liên quan đến chương trình tiêm chủng của nước này còn chưa rõ ràng. Theo công bố của chính phủ, khoảng 6 triệu người đã được tiêm vaccine. Song trong lần cập nhật cuối cùng hồi tháng 4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Turkmenistan mới tiêm 42.000 liều.
Với mong muốn thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, giới chức Nga đặt nhiệm vụ vào tay các doanh nghiệp, động thái tương tự Mỹ.
Cuối tháng 6, thị trưởng Moskva ra lệnh các công ty ngành dịch vụ và bán lẻ thiết yếu phải đảm bảo ít nhất 60% nhân viên được tiêm chủng đầy đủ vào giữa tháng 8. Hàng chục thành phố sau đó làm theo phương án này.
Người sử dụng lao động không đáp ứng mục tiêu tiêm chủng có nguy cơ đối mặt với các hình phạt nghiêm ngặt. Lao động từ chối tiêm vaccine có thể phải nghỉ việc.
Khi quy định mới có hiệu lực, 11% dân số Nga tiêm chủng đầy đủ, dù vaccine miễn phí và được triển khai rộng rãi suốt nhiều tháng.
Hàng trăm người biểu tình chống luật bắt buộc tiêm phòng hồi tháng 7. Cuộc khảo sát của cơ quan nghiên cứu và việc làm Superjob, trụ sở Moskva, ngày 21/7 cho thấy 55% dân Nga phản đối chính sách này.
Nhiều người còn lưỡng lự đối với vaccine. Cuộc điều tra khác chỉ ra rằng một phần ba người Nga chưa sẵn sàng nhận vaccine trong bất cứ tình huống nào, 26% chỉ làm điều này khi được chủ doanh nghiệp yêu cầu.
Moskva từng áp đặt biện pháp nghiêm ngặt, gồm lệnh bắt buộc đeo găng tay, yêu cầu xuất trình mã QR biểu thị tình trạng tiêm chủng khi đến nhà hàng, quán bar. Tuy nhiên, quy định đã được bãi bỏ.
Tháng 7, Pháp thông qua đạo luật cho phép người đã tiêm chủng vào nhà hàng, quán cà phê và những nơi khác. Quy định bắt đầu từ tháng 8. Nếu chưa tiêm vaccine, người dân phải xuất trình chứng nhận âm tính nCoV hoặc khả năng miễn dịch tự nhiên thông qua mắc bệnh trong thời gian gần đây. Những người khác đều bị cấm đến địa điểm đông người trong nhà.
Doanh nghiệp buộc phải đảm bảo tiêm chủng cho nhân viên. Nếu vi phạm, họ sẽ chịu các mức phạt rất gắt gao.
Tổng thống Emmanuel Macron cho biết mục tiêu của "thẻ thông hành sức khỏe" là tăng tỷ lệ tiêm chủng, vốn chững lại trong thời gian gần đây. Nhân viên y tế phải tiêm vaccine trước ngày 15/9 nếu không muốn bị đình chỉ công tác.
Biện pháp dường như có hiệu quả ngay tức khắc, sau khi được ông Macron công bố vào tháng 7. Hàng trăm nghìn người Pháp đặt lịch hẹn tiêm liều vaccine đầu tiên. Các ứng dụng đăng ký có mức truy cập kỷ lục. Số ca nhiễm nCoV cũng giảm kể từ khi hệ thống hộ chiếu vaccine có hiệu lực.
Cuối tháng 8, chính phủ Pháp mở rộng phạm vi sử dụng "giấy thông hành sức khỏe" cho 1,8 triệu công dân. Các địa điểm là nhà hàng, bảo tàng và tàu hỏa. Sau ngày 30/9, giấy có thể được áp dụng với trẻ vị thành niên.
Hiện 63% dân số Pháp đã tiêm chủng đầy đủ. Đây là dấu hiệu tích cực ở một quốc gia có thái độ hoài nghi vaccine nhất châu Âu. Cuộc thăm dò gần đây cho thấy 76% người Pháp coi yêu cầu tiêm chủng với nhân viên y tế là hợp lý.
Thục Linh (Theo Washington Post)