Những người làm trong ngành dịch vụ e ngại, với kế hoạch tiêm chủng như hiện tại, chính phủ khó có thể đạt miễn dịch cộng đồng, và ngành du lịch có thể bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 thứ ba.
Supant Mongkolsuthree đến từ Ủy ban Thường trực Liên tịch về Thương mại, Công nghiệp và Ngân hàng (JSCCIB) đang thúc giục chính phủ đẩy mạnh triển khai tiêm chủng. "Các nhà chức trách nên nới lỏng một số quy định để tạo điều kiện cho các công ty nhập khẩu vaccine và tiêm phòng cho nhân viên", vị này nói. Supant tin rằng sự gia tăng của các ca nhiễm sẽ khiến kinh tế chậm phục hồi, trong khi Phuket đang dẫn đầu trong kế hoạch mở cửa trở lại từ tháng 7, miễn cách ly cho khách đã tiêm vaccine.
Marisa Sukosol Nunbhakdi, thành viên Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, đồng tình với lời kêu gọi tăng tốc tiêm chủng của nhà virus học hàng đầu đất nước, Yong Poovorawan. Bà nói thêm rằng chính phủ nên chấp nhận cho các công ty tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng, được phép nhập các loại vaccine khác nhau nếu muốn đạt miễn dịch cộng đồng.
Du lịch nội địa Thái Lan bắt đầu phục hồi sau khi bị ảnh hưởng trong đợt bùng dịch lần thứ hai vào cuối năm ngoái. Các nhà khai thác du lịch đang đặt niềm hy vọng vào kỳ nghỉ lễ Songkran diễn ra vào tháng 4, theo Marisa Sukosol Nunbhakdi.
"Chúng tôi không thể ngừng hoạt động mỗi khi chính phủ áp đặt các lệnh hạn chế nghiêm ngặt vì dịch bệnh bùng phát. Nhu cầu cấp thiết nhất hiện nay là chính phủ cần đưa ra một chiếc lược tích cực cho việc tiêm chủng toàn dân", bà cho biết.
Một số các khách sạn đã báo cáo tình trạng khách hủy phòng và dịch vụ nhà hàng vì hầu hết các khách đặt phòng cho lễ hội Songkran dường như đang chờ đợi thông tin cập nhật từ chính phủ. Công suất trung bình của các khách sạn trong kỳ lễ hội dự kiến đạt 30%, dù tình trạng lây nhiễm đang giảm.
JSCCIB dự kiến giảm dự báo tăng trưởng GDP do ảnh hưởng của đợt bùng dịch mới nhất. Tổ chức đặc biệt lo ngại về việc liệu chính phủ có thể kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh hay không.
Hải Đăng (Theo Bangkok Post)