Trịnh Nam Thái và Phạm Bích Ngọc chung đam mê du lịch. Đôi vợ chồng đến từ Hà Nội luôn ấp ủ thực hiện một chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Để bắt đầu thực hiện ước mơ và xây dựng nền tảng, cặp đôi U30 quyết định tìm việc và lưu lại một quốc gia Đông Nam Á để tích lũy kinh nghiệm. Thái Lan là đất nước họ lựa chọn, do gần Việt Nam, tiện đi lại giữa hai nước và có nền văn hóa độc đáo.
Đầu năm 2020, khi vợ chồng trẻ chuẩn bị lên đường về Việt Nam ăn Tết, Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Thái Lan, biên giới đóng cửa. Sau gần 1 năm không "di chuyển" đến khi dịch bắt đầu được kiểm soát, Thái và Ngọc nảy ra ý tưởng đi dọc xứ sở chùa vàng, tận dụng chiến dịch kích cầu du lịch nội địa của chính phủ.
Hành trình của đôi vợ chồng được chia thành hai chuyến lần lượt khám phá miền Bắc và miền Nam, mỗi lần kéo dài gần một tháng. Đến nay, họ đã đi qua 11 tỉnh thành của Thái Lan, với kinh phí khoảng 88 triệu đồng. Phương tiện di chuyển chủ yếu là máy bay và xe máy. "Đam mê du lịch nhưng cả hai chúng tôi đều bị say ôtô", Thái chia sẻ về điểm yếu của 2 vợ chồng.
Điều Thái và Ngọc cảm thấy may mắn khi quyết định thực hiện hành trình này, bởi chính phủ Thái Lan đưa ra chương trình giảm giá tiền phòng khách sạn để kích cầu du lịch. "Tôi tìm được vé máy bay giá rẻ nhờ các chương trình hỗ trợ du lịch cho người nước ngoài sống tại Thái Lan. Covid-19 gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch nhưng lại đem đến cho du khách như chúng tôi những cơ hội chưa hề có, như trải nghiệm các khách sạn, resort 5 sao với giá tương tự những địa chỉ 3 sao", Thái nói.
Thái chia sẻ, giao thông, cơ sở hạ tầng ở Thái Lan tốt, phù hợp để phát triển du lịch. Các siêu thị lớn, trung tâm thương mại được xếp sát các bến BTS, tiện lợi và "mời gọi" du khách mua sắm.
Điều anh thấy thân quen là người dân Thái Lan có vóc dáng giống người Việt. "Người dân rất hay cười, luôn niềm nở với du khách. Khi tôi dạy các câu tiếng Việt, họ cười khoái lắm! Đi đâu tôi cũng được tận tình chỉ đường, nhiều người dẫn chúng tôi đến tận nơi hoặc đưa chúng tôi đi tìm nơi ở", anh nói.
Điều duy nhất vợ chồng Thái còn thiếu trong hành trang phượt là ngôn ngữ bản địa. Họ sử dụng tiếng Anh là chủ yếu và một chút tiếng Thái trong suốt hành trình. Sự bất đồng ngôn ngữ đôi khi vẫn là trở ngại khiến hai vợ chồng không truyền đạt được ý muốn của mình cho người dân địa phương.
Chuyến đi đem lại nhiều kỷ niệm. Khi đến thăm Doi Inthanon - đỉnh núi cao nhất Thái Lan, Thái và Ngọc gặp mưa lớn. Chứng kiến đôi vợ chồng loay hoay không biết xoay xở ra sao, người chủ nhà trên núi quyết định đội mưa 3 km để mua hộ áo mưa cho họ. Khi trở về, ông cầm trên tay 4 bộ áo mưa, nói là mua cho cả balo của hai du khách. Vợ chồng Thái gửi tiền nhưng ông kiên quyết không nhận. "Trời mưa lạnh nhưng hành động của người dân Thái Lan khiến tôi thực sự cảm thấy ấm lòng", Thái tâm sự.
Trải nghiệm đáng nhớ nhất của hai vợ chồng là chạm vào những con hổ, báo to lớn trong sở thú Tiger Kingdom. Thái cho rằng chúng đáng yêu, hiền lành và rất quý người. "Hổ thì dữ hơn báo. Vé vào cửa đã bao gồm bảo hiểm, nên tôi cũng không quá lo lắng về vấn đề an toàn. Tuy nhiên, trải nghiệm được sờ tận tay chúa sơn lâm quả rất đáng nhớ. Đến bây giờ, khi chuyến đi đã kết thúc được khoảng 3 tháng, tôi vẫn còn cảm nhận được khoảnh khắc ấy", anh nói.
Chuyến đi vòng quanh xứ sở chùa vàng của đôi vợ chồng suôn sẻ, gặp ít trở ngại. Thái tâm sự, anh xuất thân là con nhà nghèo, tự lập sớm nên thấy những khó khăn trong chuyến đi vẫn bình yên hơn nhiều so với tuổi thơ của mình. Quan điểm về du lịch trải nghiệm của anh là không nên tìm hiểu quá kỹ từ trước vì sẽ "mất vui" và "thế giới còn nhiều điều không có trên sách báo".
Hành trình của vợ chồng Thái vẫn chưa dừng lại. Sau một thời gian nghỉ ngơi, họ quyết định sẽ tiếp tục với điểm đến tiếp theo là thành phố biển Pattaya. Mắc kẹt tại Thái Lan, họ khát khao trở về thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất để cống hiến cho du lịch nước nhà. Thái và Ngọc vẫn lên kế hoạch cho hành trình du lịch khắp thế giới trong tương lai với đủ 5 yếu tố: tiền, sức khỏe, thời gian, kiến thức và bạn đồng hành.
Trung Nghĩa
Ảnh: NVCC