Chiến trường trên đảo Saipan sau một đợt tấn công
Đầu năm 1944, quân đội Mỹ quyết định đánh chiếm đảo Saipan thuộc quần đảo Marianas ở Thái Bình Dương nhằm hình thành thế trận bao vây Nhật Bản. Các chiến lược gia Mỹ tin rằng hòn đảo này có thể cắt đứt tuyến tiếp tế từ Nhật Bản đến Indonesia, đồng thời trở thành căn cứ đồn trú cho oanh tạc cơ tầm xa B-29 tấn công Tokyo, theo US History.
Nhận thấy mối đe dọa từ Mỹ, bộ chỉ huy tối cao Nhật Bản nhanh chóng tăng cường lực lượng phòng thủ cho đảo Saipan. Đến tháng 5/1944, Nhật huy động được gần 30.000 lính bảo vệ đảo Saipan, ngay trước khi Mỹ thực hiện chiến dịch đổ bộ. Lính Nhật đào hệ thống công sự, bố trí hàng loạt điểm phòng thủ đợi quân Mỹ đổ bộ lên bờ biển.
Trong kế hoạch chiếm đảo Saipan mang mật danh Forager, Mỹ dự kiến tấn công phía tây đảo bằng hai mũi đổ bộ. Ngày 11/6/1944, lực lượng tác chiến gồm 7 tàu sân bay, 8 tàu sân bay hạng nhẹ, 7 thiết giáp hạm tốc độ cao, ba tàu tuần dương hạng nặng, 10 tàu tuần dương hạng nhẹ và 52 khu trục hạm được lệnh tấn công, phá hủy máy bay và tàu chiến Nhật Bản quanh đảo Saipan.
Trong vòng chưa đến 10 ngày, các chiến đấu cơ Mỹ đã tiêu diệt phần lớn chiến đấu cơ Nhật trên đảo, nhưng không gây thiệt hại nào đáng kể cho trận địa pháo đối phương.
Sáng sớm ngày 15/6, chiến dịch đổ bộ chiếm đảo Saipan diễn ra. Các tàu chiến Mỹ đồng loạt nã pháo vào bờ biển, trong khi chiến đấu cơ Mỹ không kích các cứ điểm phòng thủ, ụ pháo và công sự, cũng như sân bay và mục tiêu khác trên bộ, nhằm mục đích uy hiếp tinh thần lính Nhật.
Đến 7h sáng, 34 tàu đổ bộ (LST) thả neo cách bờ 800 m, bắt đầu thả tàu tấn công và xuồng. Tuy nhiên, mỗi khi xuồng đổ bộ áp sát bờ biển, lực lượng phòng thủ Nhật Bản lại sử dụng súng máy, pháo binh, pháo chống tàu và pháo cối đáp trả, khiến một số xe tăng lưỡng cư, tàu kéo và xuồng bị chìm trước khi đến bờ.
Hầu hết lực lượng đổ bộ đều cập bờ an toàn theo kế hoạch, nhưng khi họ lên bờ cũng là lúc địa ngục hỗn loạn bắt đầu. Các cứ điểm phòng ngự của Nhật chống trả dữ dội, khiến hàng nghìn lính Mỹ thiệt mạng trên bờ biển, đợt đổ bộ đầu tiên bị dồn ứ lại, gây ra tâm lý hoảng loạn trong lính Mỹ.
Xe thiết giáp không thể chọc thủng phòng tuyến bờ biển như dự kiến do bị hỏa lực địch loại khỏi cuộc chiến quá nhiều. Xác xe bị bắn cháy cản trở đường hành tiến của cánh quân phía sau. Sư đoàn thủy quân lục chiến số 2 chịu thương vong 1.500 người ngay trong đêm đổ bộ đầu tiên.
Dù vấp phải hỏa lực dữ dội của Nhật Bản, quân Mỹ vẫn tiếp tục đổ bộ và đẩy lùi đối phương vào sâu trong đảo. Sau gần ba tuần giao tranh ác liệt, Mỹ gần như giành chiến thắng cuối cùng. Tuy nhiên, Nhật Bản ra lệnh cho chỉ huy trên đảo không được đầu hàng, phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trung đoàn bộ binh 105 thuộc Sư đoàn bộ binh 27 Mỹ là nạn nhân xấu số của mệnh lệnh này.
Ngày 7/7, thông tin tình báo cho thấy chỉ còn khoảng 1.000 lính Nhật Bản yếu ớt và đói khát trên đảo. Trung đoàn 105 là đơn vị vệ binh quốc gia, có nhiệm vụ thiết lập tuyến phòng ngự sâu bên trong đảo. Bỗng nhiên hàng nghìn lính Nhật la hét xông thẳng vào phòng tuyến để tấn công tự sát.
Do không quân và hải quân Mỹ đã cắt đứt tuyến tiếp tế nên hầu hết lính Nhật không còn đạn để chiến đấu. Nhiều người trong số họ sử dụng kiếm và gậy tre gắn lưỡi lê tấn công lính Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Cuộc tấn công khiến 406 lính Mỹ thiệt mạng và 516 người thuộc Trung đoàn 105 bị thương, trong khi 4.300 lính Nhật bỏ mạng trước phòng tuyến Mỹ.
Trước khi lính Mỹ tiến đến phía bắc đảo Saipan hai hôm sau đó, 1.000 lính và 22.000 thường dân trên đảo, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, do lo sợ bị tra tấn đã nhảy từ mỏm núi xuống biển tự sát, bất chấp nỗ lực thuyết phục bằng loa của quân Mỹ.
Theo sử gia Jeff Kingston, trận đổ bộ chiếm đảo Saipan đã khiến tổng cộng 55.000 binh sĩ và dân thường thiệt mạng. Trong số 71.000 quân Mỹ đổ bộ lên đảo, gần 3.000 người tử trận và hơn 10.000 người bị thương. Trong số 30.000 quân Nhật phòng thủ đảo, chỉ có 921 lính sống sót, số còn lại đều thiệt mạng, trong đó các chỉ huy và khoảng 5.000 lính tự sát.
Mỹ cuối cùng cũng đánh bật quân Nhật khỏi đảo Saipan, nhưng mặt trận Thái Bình Dương vẫn diễn ra ác liệt thêm một năm với chiến thuật tử thủ lặp lại nhiều lần trên các hòn đảo khác.
Duy Sơn