Quân đội Nga ngày 10/5 bất ngờ điều xe tăng, thiết giáp tràn vào tỉnh biên giới Kharkov của Ukraine để mở mặt trận mới ở phía đông bắc nước này. Moskva sau đó chiếm hàng loạt ngôi làng và được cho là đã kiểm soát ít nhất 170 km2 lãnh thổ ở tỉnh này.
Dù vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 3/6 cho biết chiến dịch tấn công của Nga ở tỉnh Kharkov đang chững lại, khi yếu tố bất ngờ đã không còn. Phát ngôn viên quân đội Ukraine Andriy Kovalev cùng ngày khẳng định Nga chưa đạt được bước tiến mới tại mặt trận đông bắc và đang hứng chịu tổn thất nặng.
Sau gần một tháng tấn công, Nga chưa chiếm được thành phố Kharkov, thủ phủ của tỉnh, đồng thời là đô thị lớn thứ hai ở Ukraine cũng như trung tâm văn hóa, kinh tế của nước này. Lực lượng Nga đang bị chặn lại ở khu vực cách thành phố khoảng 25 km về phía bắc.
"Chiến sự đang diễn ra ác liệt, song tiền tuyến vẫn gần như giữ nguyên", Ivan Stupak, cố vấn của ủy ban an ninh, tình báo và quốc phòng thuộc quốc hội Ukraine, ngày 4/6 cho hay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin giữa tháng 5 tuyên bố nước này khi đó chưa có ý định kiểm soát thành phố Kharkov, chỉ muốn thiết lập vùng đệm để ngăn Ukraine tiếp tục pháo kích vào tỉnh biên giới Belogord. Tuy nhiên, giới quan sát bày tỏ hoài nghi về phát biểu này của ông Putin, cho biết Tổng thống Nga thường hành động "quyết liệt" hơn so với những gì ông nói.
Trong khi chưa giành được kết quả đáng kể, chiến dịch tấn công của Nga ở Kharkov đã vô tình giúp Ukraine giải được bài toán mà nước này từng chật vật tìm đáp án.
"Chiến dịch mới của Nga ở mặt trận đông bắc đã thúc đẩy điều mà Tổng thống Ukraine chưa làm được trong nhiều tháng qua: thuyết phục phương Tây cho phép Kiev sử dụng vũ khí họ viện trợ để tập kích mục tiêu trên lãnh thổ của Moskva", cây viết David Brennan của Newsweek bình luận.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 31/5 xác nhận Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cho Kiev dùng vũ khí Mỹ tập kích lực lượng Nga đang tập trung ở gần biên giới để chuẩn bị tấn công Kharkov, đánh dấu bước chuyển lớn trong chính sách của Washington. Mỹ trước đó cấm Ukraine làm điều này vì lo ngại có thể dẫn tới xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga.
Ngoài Mỹ, một số quốc gia như Anh, Pháp, Đức gần đây cũng đã công khai tuyên bố cho phép Ukraine dùng khí tài họ viện trợ để nhắm vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.
Theo Stupak, việc Mỹ và đồng minh "nới vòng kim cô" cho Ukraine khiến tỉnh biên giới Belgorod của Nga không còn là "nơi trú ẩn tương đối an toàn" đối với lực lượng nước này. Belgorod trước đó thường xuyên bị tập kích bởi máy bay không người lái (UAV) tự sát Ukraine, đồng thời từng bị các nhóm dân quân thân Kiev xâm nhập, song Ukraine chưa từng phóng tên lửa phương Tây vào khu vực này.
"UAV chỉ là đồ chơi, không thể gây thiệt hại cho nhiều xe tăng và khí tài hạng nặng của đối phương, nhưng pháo phản lực HIMARS thì có thể. Tay của chúng tôi đã được cởi trói và giờ Ukraine sẽ có thể thực hiện thêm các cuộc tấn công như vậy", ông Stupak cho hay, đề cập cuộc tấn công bằng pháo HIMARS khiến hai bệ phóng của tổ hợp phòng không S-400 của Nga ở Belgorod bị "phá hủy".
Brennan nhận định việc Ukraine được phép sử dụng vũ khí của Mỹ và đồng minh để tập kích lãnh thổ Nga sẽ gây ra "tác động lâu dài" và khiến lực lượng của Moskva dễ bị tổn thương hơn.
"Canh bạc của Nga đã phản tác dụng", bình luận viên này viết, cho rằng lợi ích mà Nga thu được từ một số ngôi làng họ kiểm soát trong chiến dịch tấn công Kharkov sẽ trở nên nhỏ bé so với lợi thế Ukraine sẽ có trên chiến trường về dài hạn khi được tự do hơn trong sử dụng vũ khí phương Tây.
Hiện Mỹ chỉ chấp thuận cho Ukraine dùng vũ khí của Washington để nhắm vào vùng lãnh thổ Nga sát Kharkov, tức tỉnh Belgorod. Tuy nhiên, trong bối cảnh lực lượng Nga được cho là đang tập trung hoặc di chuyển qua các tỉnh Kursk và Voronezh ở xa hơn về phía bắc, Ukraine đang muốn Mỹ tiếp tục "nới lỏng hơn vòng kim cô", mở rộng các khu vực mà nước này được phép tập kích.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 4/6 cho biết Washington và Kiev sẽ thảo luận về khả năng cho phép Ukraine nhắm mục tiêu vào các khu vực khác trên lãnh thổ Nga.
"Tảng băng đang từng bước tan chảy", Stupak nhận định, đồng thời dự đoán các nước phương Tây sẽ sớm tiếp tục nới lỏng hạn chế về vũ khí cho Ukraine, qua đó giúp Kiev có thể gây thiệt hại nặng cho binh sĩ, khí tài Nga từ trước khi lực lượng này tới được tiền tuyến.
Dù vậy, Nga đã thể hiện được năng lực phục hồi lực lượng đáng kinh ngạc sau hơn hai năm chiến sự, nên việc hứng thêm tổn thất từ xa cũng khó có thể ngăn Moskva tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự tại Ukraine.
Tổng thống Putin được cho là đang rất muốn đạt được những thắng lợi mới trên chiến trường, nhằm tạo lợi thế trong trường hợp Nga - Ukraine tiến hành hòa đàm trong tương lai. Mục tiêu của Moskva là giữ nguyên hiện trạng về lãnh thổ, trong khi Kiev muốn đối phương rút toàn bộ binh sĩ về nước.
Tổng thống Zelensky tháng trước nhận định chiến dịch hiện tại của Nga ở Kharkov có thể chỉ là bước khởi đầu trong chuỗi nhiều đợt tấn công của Moskva. Nước này đang tập trung binh lực ở biên giới với tỉnh đông bắc Sumy, khu vực mà Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov hồi tháng 5 cảnh báo có thể là mục tiêu tiếp theo của Nga.
Theo Stupak, Moskva cũng có thể sẽ mở mặt trận mới ở phía bắc thành phố Kharkov nhằm chiếm đô thị này hoặc đẩy mạnh nỗ lực hiện tại ở Vovchansk, thành phố cách biên giới hai nước khoảng 7 km. Dù vậy,"chúng tôi không biết chính xác họ sẽ chọn điều gì", quan chức Ukraine thừa nhận.
Phạm Giang (Theo Newsweek, Politico, AFP)