Lý Quân, (Li Jun) 46 tuổi, cựu giám đốc một tập đoàn kinh doanh bất động sản có tiếng, từng là người giàu thứ hai của thành phố Trùng Khánh có dân số hơn 30 triệu dân. Tuy nhiên, Lý cùng nhiều người khác trở thành mục tiêu của chiến dịch truy quét tội phạm "đả hắc".
Lý kể rằng ông bị trói vào một chiếc ghế trong 6 ngày liên tiếp, không được rời khỏi ghế, không được sử dụng nhà vệ sinh, bị hành hạ cả về thể xác và tinh thần.
"Danh dự của tôi với tư cách là người đứng đầu công ty và nhân phẩm của một con người vỡ vụn ra từng mảnh", Lý Quân nói.
Lý Quân (giữa) tại nhà tù Trùng Khánh tháng 2/2010. Ảnh: Asahi Shimbun |
Ông Bạc tuyên bố chiến dịch truy quét tội phạm là để làm cho thành phố an toàn hơn, nhưng các nguồn tin cho biết "đả hắc" còn một mục đích khác là bịt miệng những người chỉ trích ông và bổ sung ngân quỹ cho chính quyền thành phố.
Lý hiện đang sống tại một nước Đông Nam Á. Năm 2009 bị gán cho cái tên "ông trùm xã hội đen" và bị giam tại nhà tù Trùng Khánh, nhìn ra sông Dương Tử. Lý bị buộc tội gian lận và nhiều tội danh khác liên quan đến việc mua bán đất mà ông khẳng định là hợp pháp.
Lý kể về những móc kim loại giữ chặt lấy cổ tay và mắt cá chân của ông vào một thiết bị tra tấn gọi là "chiếc ghế hổ". Đau đớn không thể chịu nổi, Lý đã hét lên những tiếng kinh hoàng từ trong phòng thẩm vấn. Chiếc ghế hổ được cho là công cụ hữu dụng của Vương Lập Quân, giám đốc công an và cũng là chỉ huy của chiến dịch "đả hắc".
Khi Lý vẫn tiếp tục phủ nhận các tội danh, nhà điều tra tát ông rồi bắn súng gây mê làm ông bị choáng. Quá trình thẩm vấn kéo dài hai tháng nhưng Lý vẫn không nhận tội.
Đến một ngày, một nhân viên điều tra đặt ra cho Lý một điều kiện. Nếu Lý đồng ý trả 40 triệu Nhân dân tệ (khoảng 6 triệu USD) như là tiền phạt cho việc phá vỡ hợp đồng mua bán đất thì ông sẽ được thả.
Lý kể rằng không thể chịu được sự tra tấn thêm một ngày nào nữa, đã đồng ý trả tiền và được thả.
6 tháng sau, khoảng 100 cảnh sát đột kích một câu lạc bộ đêm của Lý và bắt giam 31 người, trong đó có anh trai của ông, vì nghi ngờ "mại dâm có tổ chức". Mặc dù Lý phủ nhận nhưng truyền thông địa phương vẫn đưa tin rằng "gia đình mafia" của Lý đã bị vạch mặt.
Lý cũng tình cờ muốn rút khỏi công việc kinh doanh ở Trùng Khánh vào thời gian đó. Lo sợ cho tính mạng của mình, ông bay đến một nước Đông Nam Á qua Hong Kong. Tháng 12 năm ngoái, 20 người trong ban điều hành của công ty của Lý, trong đó có anh trai ông, bị phạt tù từ 14-18 tháng. Công ty của ông chuyển giao cho chính quyền quản lý.
Theo thống kê của ông Tong Zhiwei, giáo sư trường đại học Luật và Khoa học chính trị Hoa Đông ở Thượng Hải, có hơn 50.000 người bị bắt trong chiến dịch "đả hắc", nhưng chỉ có 17.000 người được đưa ra xét xử và thẩm vấn.
Mọi người tin rằng trường hợp như của Lý rất phổ biến. Một ước tính cho thấy giá trị tài sản bị chính quyền Trùng Khánh tịch thu trong chiến dịch lên đến hàng trăm triệu USD. Những người chủ của các công ty bị tịch thu thường chạy ra nước ngoài. Lý cũng không có ý định về nước.
Vũ Hà (theo Asahi Shimbun)
Đây là bài thứ 16 trong series của Asahi Shimbum, tìm hiểu về con đường tiến thân của chính trị gia mất chức Bạc Hy Lai tại Trung Quốc. Đọc thêm:
Nạn nhân 'đả hắc' kể tội Bạc Hy Lai
Kẻ yêu người ghét Bạc Hy Lai
Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh
Bạc Hy Lai trên ghế bộ trưởng
Bạc Hy Lai cất cánh, nhà báo ở tù
Một mình khiêu chiến với Bạc Hy Lai